Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhật Bản đối mặt với nhiều thách thức kinh tế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) hôm 27/4 cho biết, đã cắt giảm triển vọng về nợ của đồng nội tệ Nhật Bản từ ổn định xuống tiêu cực

KTĐT - Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) hôm 27/4 cho biết, đã cắt giảm triển vọng về nợ của đồng nội tệ Nhật Bản từ ổn định xuống tiêu cực đồng thời cảnh báo có thể tiếp tục hạ xếp hạng khi xảy ra một sự suy thoái tài chính vượt quá dự đoán.

S&P dự báo chi phí liên quan tới việc giải quyết hậu quả trận động đất ngày 11/3 sẽ gia tăng thâm hụt tài chính của Nhật Bản thêm 3,7% GDP cho đến năm 2013. Động thái này S&P sẽ tăng thêm sức ép đối với chính quyền của Thủ tướng Naoto Kan trong việc ban hành các gói ngân sách bổ sung để tái thiết đất nước. Còn theo ước tính của S&P, con số này có thể từ 20.000 tỷ Yen (245 tỷ USD) cho tới 50.000 tỷ Yen. Ngay sau tuyên bố hạ xếp hạng của S&P, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano cho biết, các nhà hoạch định chính sách nước này sẽ cố gắng đảm bảo niềm tin của giới đầu tư vào trái phiếu chính phủ của Nhật Bản.


Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 27/4 cho biết, cán cân thương mại của nước này đầu tháng 4 bị thâm hụt do xuất khẩu giảm sau thảm họa động đất và sóng thần ảnh hưởng đến sản xuất, đặc biệt trong các hoạt động sản xuất ôtô, linh kiện điện tử. Theo số liệu, thâm hụt thương mại của Nhật Bản trong 10 ngày đầu tháng 4 đã lên tới gần 169 tỷ Yen (tương đương 2,07 tỷ USD). Cùng ngày, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết, doanh số bán lẻ tháng 3 của nước này đã sụt giảm mạnh nhất trong 13 năm khi thảm họa hôm 11/3 khiến hàng loạt các cửa hàng phải đóng cửa và cản trở hoạt động chi tiêu của các hộ gia đình. Theo đó, doanh số bán hàng đã giảm 8,5% so với tháng 3 năm ngoái, ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/1998. Các hãng bán lẻ lớn như Aeon và Seven & I Holdings Co cho rằng, lợi nhuận cả năm có thể giảm mạnh do ảnh hưởng của thảm họa động đất. Chuyên gia kinh tế David Rea của Capital Economics cho biết, doanh số bán lẻ có thể giáng một đòn mạnh vào khả năng phục hồi của nền kinh tế Nhật. Nó có thể dẫn tới một vòng xoáy đi xuống của chi tiêu, khiến hoạt động kinh tế yếu hơn, ảnh hưởng mạnh tới tiền lương lao động và tình trạng thất nghiệp tại Nhật. Chuyên gia này cũng dự đoán, hoạt động tiêu dùng của Nhật sẽ suy giảm hơn nữa trong quý II.


Trong bối cảnh xuất khẩu thực phẩm của Nhật Bản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hy vọng duy nhất của nước này là nhanh chóng phục hồi sản xuất tại các tập đoàn công nghiệp lớn. Ngày 26/4, METI cho biết, các cơ sở sản xuất linh kiện và nguyên liệu thô của nước này ở khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất sóng thần vừa qua sẽ được khôi phục vào mùa Thu năm nay. Hiện 64% trong số 70 cơ sở sản xuất của các hãng sản xuất lớn đã được phục hồi. Hãng Toyota cho biết, 17 nhà máy tại Nhật Bản mới chỉ hoạt động một nửa công suất và tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất trong 3 tháng. Toyota sẽ cắt giảm sản lượng tại các nhà máy ở Bắc Mỹ bằng 75% trong 6 tuần tới để bảo đảm dữ trữ nguồn cung hạn chế của các bộ phận sản xuất tại Nhật Bản. Các cơ sở sản xuất nội địa của hai hãng ô tô khác là Nissan và Honda cũng hoạt động chỉ một nửa công suất thiết kế.


Liên quan đến tình hình khắc phục sự cố hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima I, các chuyên gia cho biết, sẽ đổ đầy nước vào các bể chứa trong lò phản ứng số 1, số 2 để làm lạnh các lò này. Theo đó, nước sẽ từ từ thấm vào tất cả các lỗ hổng bên trong qua các ống nối và các van vốn đã bị phá hỏng một phần, tạo thành một "lớp đệm nước" quanh các thanh nhiên liệu của mỗi lò phản ứng. Trước đó, công nhân của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã bắt đầu phun hoá chất làm đông cứng bụi phóng xạ, nhằm ngăn các chất phóng xạ không phát tán rộng. Sau 3 tuần phun thử nghiệm, kết quả đạt được rất khả quan khi bụi phóng xạ không còn phát tán ra xa nữa. TEPCO cho biết sẽ cho phun 1 triệu mét khối loại hoá chất này trên khu vực rộng 500.000 mét vuông cho tới cuối tháng 6 năm nay. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) hôm 27/4 nhận định, mặc dù tình hình tại nhà máy Fukushima vẫn rất nghiêm trọng nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phục hồi ở một số chức năng.