Nắng nóng kỷ lục khiến đường ray tàu hỏa tại Nhật Bản biến dạng nhiều hơn so với trước đây, dẫn đến nhiều chuyến tàu bị trễ. Các công ty đường sắt tại Nhật đang tìm cách khắc phục để đảm bảo an toàn cho hành khách khi tàu chạy.
Ngày 1/8, nhiệt độ cao đã khiến một đoạn đường ray của tuyến Kagoshima ở tỉnh Kumamoto bị cong vênh. Ngay sau đó, các chuyến tàu giữa nhà ga Uto và Yatsushiro đã phải tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn. Để giải quyết tình trạng này, các công nhân phải sử dụng những khối băng lớn giúp làm nguội đường ray cũng như tiến hành sửa chữa.
Trước tình hình thời tiết cực đoan, tuần trước, công ty đường sắt Kyushu thông báo họ có thể sẽ điều chỉnh lịch trình tàu, thậm chí tạm dừng một số tuyến để đảm bảo an toàn cho hành khách.
Hiroaki Fujii, đại diện của công ty, cho biết thời tiết nắng nóng đã khiến nhiều chuyến tàu bị ảnh hưởng. Tình trạng đường ray giãn nở do nhiệt đã gây ra ít nhất ba vụ chậm tàu hoặc hủy chuyến trong năm nay, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái.
“Nhiệt độ kỷ lục gần đây đã khiến đường ray tàu hỏa bị cong vênh, gây ảnh hưởng đến hoạt động di chuyển”, ông Fujii chia sẻ. “Vì lý do này, chúng tôi buộc phải thông báo đến hành khách để đảm bảo an toàn giao thông.”
Không chỉ riêng tuyến đường sắt này, mà nhiều tuyến khác ở Nhật Bản như Yosan của JR Shikoku, Kishin, Seto-Ohashi và Geibi của West Japan cũng ghi nhận tình trạng tương tự trong năm nay.
Đường ray tàu hỏa có thể chịu được nhiệt độ cao lên đến 60 độ C. Tuy nhiên, khi nhiệt độ vượt quá ngưỡng này, các công ty đường sắt phải thường xuyên kiểm tra và thực hiện các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho hành khách.
Renina Yamaoka, phát ngôn viên của JR Shikoku, cho biết: “Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình hình, chúng tôi sẽ có những biện pháp ứng phó kịp thời, ví dụ như phun nước làm mát đường ray để ngăn nhiệt độ tăng cao hơn nữa.”
Sau khi xảy ra sự cố vào ngày 7-8/7, công ty này đã lập tức khắc phục bằng cách nắn thẳng lại các đoạn đường ray bị cong. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, các đoàn tàu vẫn phải giảm tốc độ xuống còn 15 km/h khi di chuyển qua khu vực này.
Sau khi chuyến tàu cuối cùng rời đi, các kỹ sư đã tiến hành sửa chữa khẩn cấp đoạn đường ray bị hư hỏng. Công việc này bao gồm cắt và nối lại đường ray, lắp đặt thêm khớp nối để giảm áp lực do sự giãn nở của kim loại, và cuối cùng là bổ sung đá ballast để cố định đường ray chắc chắn hơn.
Theo Yamaoka, tình trạng đường ray bị cong vênh trên các tuyến tàu của JR Shikoku đã gia tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể, trong tháng 7 vừa qua, đã có tới 3 trường hợp đường ray bị hư hỏng, trong khi cả năm ngoái chỉ ghi nhận 2 trường hợp. Trước đó, từ năm 2014 đến năm 2022, chưa từng xảy ra sự cố nào tương tự.