Nhật Bản - quốc gia phụ thuộc 80% dầu thô nhập khẩu vào Trung Đông đã quyết định không tham gia vào sáng kiến an ninh Eo biển Hormuz do Mỹ-đồng minh quân sự duy nhất đề xuất. Thay vào đó, Tokyo đang cân nhắc các triển khai quân ở các khu vực lân cận bao gồm cả Vịnh Oman, Chánh văn phòng Nội các Yoshi Suga chia sẻ hôm 18/10.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe |
Ông Suga cũng khẳng định: “Sự hòa bình và ổn định của Trung Đông là vô cùng quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng của Nhật Bản cũng như cộng đồng quốc tế”.
Nhật Bản để tâm hơn tới mối đe dọa tới tuyến vận chuyển trong khu vực khi một trong những tàu chở dầu của nước này bị tấn công vào tháng 6 khi đang chở 25.000 tấn metanol từ Ả Rập Saudi tới châu Á.
Các lực lượng hải quân được điều đến Trung Đông có thể bao gồm máy bay và các đơn vị của Lực lượng phòng vệ chuyên chống cướp biển, ông Suga nói thêm, nhưng không xác định ngày xuất quân. Mỹ từng đặt áp lực buộc Nhật Bản tham gia tuần tra chung trong khu vực.
Hiện Mỹ và Anh đã tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi nhằm đảm bảo tuyến đường thủy quan trọng đối với nguồn cung dầu toàn cầu vẫn mở.
Mối quan hệ lâu đời của Nhật Bản với Iran cùng với các điều khoản đặc thù trong hiến pháp Nhật Bản đã cản trở Tokyo tham gia vào bất kỳ liên minh an ninh nào trong khu vực vốn ngày càng bất ổn này. Dù trước đây Nhật Bản từng điều quân đội ra nước ngoài, những đóng góp của Tokyo vào các hoạt động quốc tế vẫn bị hạn chế bởi những quy định pháp lý.
Hơn một năm trước, chính quyền ông Trump đã rút ra khỏi hiệp ước hạt nhân Iran mang tính bước ngoặt năm 2015. Kể từ đó, Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt với tuyên bố sẽ giảm xuất khẩu dầu của Iran xuống mức 0 và buộc Tehran giảm quy mô hỗ trợ cho các nhóm chiến binh quanh Trung Đông.
Kể từ đó, an ninh sản xuất và vận chuyển dầu trong khu vực đã bị đe dọa khi một loạt sự cố xảy ra, bao gồm các cuộc tấn công vào tàu chở dầu và các nhà máy dầu thô của Ả Rập Saudi, mà Mỹ cho rằng Iran đứng sau.