[Nhật ký những ngày sống trong khu phong tỏa tại TP Hồ Chí Minh] - Bài 1: Xét nghiệm là phát hiện ca mắc Covid-19

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, người dân TP Hồ Chí Minh phải oằn mình chống chọi. Nước mắt, nỗi buồn, lo toan và cả đau lòng... là những cung bậc cảm xúc mà người TP Hồ Chí Minh đã phải trải qua thời gian qua. Sống trong một con ngõ phong tỏa của TP Hồ Chí Minh, phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị đã ghi lại những cảm xúc rất thực, rất đời trong những ngày Sài Gòn đang gồng mình giữa "tâm bão" Covid-19.

Covid-19 đã sát nhà…
Đầu giờ chiều 7/7, một người bạn làm luật sư gửi tôi thông cáo báo chí của Saigon Co.op về việc mong người dân không phải lo lắng về nguồn hàng hóa trong những ngày sắp tới. Trong ngày, người bạn khác gửi thông báo chợ Bình Tây (Chợ Lớn Mới), đóng cửa vào sáng 8/7 vì có nhiều ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
 Người dân đường Phạm Văn Chí, Bình Tây (đoạn từ Phạm Văn Chí đến Đại lộ Võ Văn Kiệt), phường 1, quận 6 - TP Hồ Chí Minh ra đường để Y tế lấy mẫu xét nghiệm vào các ngày 11/7, 13/7 và 17/7.
Đọc 2 thông tin, tôi đã thấy ngờ ngợ về điều gì đó sắp xảy ra. Bởi trước đó đã có nhiều “tin đồn” từ 0 giờ ngày 9/7 sẽ “lockdown” toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tôi nói vợ đi mua rau, quả, mì gói về trữ để cả nhà đủ dùng trong nửa tháng, không phải chen chân nơi đông người tranh nhau mua từng quả trứng, bó rau…
Trưa 8/7, đi làm về vợ ra khu vực bán tạp hóa ở đường Chu Văn An bên phường 2, quận 6 mua mấy thùng mì gói. Người mua đông kịt, không còn mì tại nhiều cửa hàng. Vậy là xong, “tin đồn” không còn là tin giả. Chiều cùng ngày hàng loạt báo mạng thông tin TP Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 9/7, vì số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày mỗi tăng.
Chiều 11/7, chị Nụ gọi điện: “Tiến ơi, nhà bán thịt heo ở 47 đối diện Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 6 có ca dương tính SARS-CoV-2. Y tế phường thông báo tất cả mọi người trong khu vực 2 bên đường Phạm Văn Chí chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm, giờ làm sao”? Tôi chỉ khuyên chị hãy nói bà con… thật bình tĩnh, chấp hành tốt những yêu cầu của địa phương. Từ cuộc gọi của chị Nụ, tôi hiểu Covid-19 chuẩn bị đến khu nhà mình, vì chỉ cách nhau chưa đầy 200m…
Cái gì đến cũng đã đến, 15 giờ ngày 13/7, tổ trưởng dân phố đi từng nhà thông báo mọi người chuẩn bị ra đường để y tế lấy mẫu dịch tễ xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Xóm nhà tôi từ ngã tư Gia Phú đến ngã ba Phạm Văn Chí, từ số 67 đến số 117 cùng với hẻm 85 và hẻm 99 Bình Tây, cũng hơn 100 căn nhà với gần 1.000 người phải ra lấy mẫu xét nghiệm. Buổi xét nghiệm đã có nhiều người trong hẻm 99… không ra.
Một hẻm có hàng chục ca dương tính với SARS-CoV-2
Những người dân nhà mặt tiền đường Bình Tây và hẻm 85 chấp hành thông báo của chính quyền. Tuyền dù 43 tuổi, nhà ở số 105, Minh Phương cùng em trai và nhiều người khác trong hẻm 99, sau khi test nhanh ra kết quả dương tính, được yêu cầu đứng sang 1 bên. Nghe nhân viên y tế gọi đứng sang 1 bên, nhiều người bỏ chạy, gây bất ngờ cho lực lượng chức năng. Hẻm 99 có khoảng 280 nhân khẩu, đa số làm nghề buôn bán ngoài chợ, chạy xe ôm, lao động tự do…, nhưng có tới 14 ca dương tính với SARS-CoV-2. Vì vậy ngày 16/7 UBND phường quyết định đưa barie đến rào chắn đầu hẻm, nhưng vẫn có nhiều người.. đẩy rào chui ra!
“Với ý thức như vậy của những người trong hẻm em, làm sao thành phố giảm ca nhiễm virus SARS-CoV-2? Mỗi ngày cứ tăng gần 1.000 ca, có hôm hơn 1.000”, Ngọc - Đứa em nhà trong hẻm 99 nhắn tin qua zalo.
 Hẻm 99 Bình Tây, phường 1, quận 6 - TP Hồ Chí Minh - Nơi có nhiều ca dương tính, nên chính quyền phải đặt barie để phong tỏa từ ngày 16/7.
Từ chiều 17/7 cho đến tối cùng ngày, hàng trăm người dân tại các hẻm 21, 41 và 43 Bình Tây cũng phải ra đường ngồi chờ đến lượt được lấy mẫu dịch tễ xét nghiệm. Đứa em đoàn viên trong Chi đoàn năm xưa, gọi điện với giọng hớt hải: “Anh ơi, do có một cô gái ở hẻm 21 không biết mình đã mắc Covid-19, nhưng vẫn đi nhiều nơi, vào thăm từng bạn trong hẻm 41 và 43, nên bà con phải cực như vậy”.
Dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, nhiều khu vực trong thành phố đã bị phong tỏa, nhiều người đã được đưa đi cách ly tập trung để điều trị. Hàng ngày, nhiều người bạn ngoài đời, bạn trên mạng xã hội Facebook, Zalo gửi clip hàng đoàn xe cứu thương chở xác người vào lò thiêu Bình Hưng Hòa ở quận Bình Tân... Tôi đã không dám tin sau khi xem lại nhiều lần.
Mẹ ơi, nhà mình có “bị bắt” không?
Chiều cùng ngày, cháu gái Cherry mới 8 tuổi sốt, bố nó - Lành là em rể tôi cũng ho, dù gần 2 tháng nay Lành thất nghiệp nằm suốt trong nhà, không ra ngoài. Để hạ sốt cho con gái và chồng, mẹ bé ra tiệm thuốc mua Paracetamol, thuốc hạ sốt. Đồng thời, theo hướng dẫn của y tế, gia đình vắt chanh pha vào ca 2 lít, đặt trong tủ lạnh để cùng uống hàng ngày.
Bình, cháu gái làm ở UBND phường nhắn tin: “Cậu ơi nhiều người dân ở phường con giờ khổ lắm, chưa kể tại một đơn vị tuyến đầu ngành y tế, các y bác sĩ cũng rất khó khăn nhưng người ta không dám xin ai. Cậu có quen mạnh thường quân nào nhờ họ giúp đỡ... Đọc dòng tin nhắn của cháu, tôi gọi ngay anh Đào Kim Lân - Giám đốc Công ty Luật TNHH An Thuận Phát để cung cấp thông tin, nhờ anh giúp đỡ người dân cũng như y bác sĩ ở tuyến đầu…
Ngày 20/7, các anh chị luật sư nhóm SOS Law nhắn tin: Đã gửi quà cho người dân gặp khó khăn ở phường và đơn vị y tế. Dòng tin nhắn của anh Lân cũng thông báo bà con và y bác sĩ vui lắm, bởi vào thời điểm này “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, giá cả mọi mặt hàng tăng đến chóng mặt. Nhiều gia đình khó khăn phải tính toán từng đồng, từng món hàng trước khi nhờ ai đó mua giúp. Vợ tôi vào siêu thị mua bó hành lá 20.000 đồng, quả mướp hương 20.000 đồng…
Buổi trưa, cả nhà vẫn ngồi ăn cơm chung với nhau. Ai cũng rùng mình khi nghe bản tin của đài truyền hình “TP Hồ Chí Minh gần 35.000 ca nhiễm Covid-19”. Mọi người cùng dặn nhau phải thật cẩn thận, không ra đường nếu không cần thiết, không tiếp xúc người lạ, phải rửa tay bằng nước khử khuẩn sau khi nhận hàng từ shipper…
Chiều cùng ngày, chị Thắm gọi về báo tin: “Cơ quan tổ chức test nhanh, chị bị dương tính với SARS-CoV-2. Cơ quan đang làm thủ tục chờ y tế đưa vô khu cách ly tập trung”. Cả nhà sững sờ sau cuộc gọi của chị, mỗi người ngồi một góc. Bách - Đứa cháu ruột chỉ biết ngồi cười buồn, khóe mắt nó đã ngấn nước vì cứ vài phút nó lấy khăn giấy lau mắt kính, nó không hiểu vì sao mẹ mắc Covid-19. Cherry - Cháu gái mới 8 tuổi, mặc dù đang sốt vẫn hỏi mẹ nó: “Mẹ ơi nhà mình có “bị bắt” không”? Vợ tôi lặng lẽ cầm điện thoại gọi vào cơ quan để báo cáo tình trạng của gia đình, rồi mỗi người tự động lên phòng riêng đóng cửa. Bởi mới chiều hôm qua 19/7, vợ tôi cùng tất cả cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan vừa phải xét nghiệm nhanh do có ca Covid-19 thường vào trụ sở UBND quận để liên hệ công tác…
(Còn nữa) 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần