Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhật - Mỹ tìm cách thu hẹp bất đồng về TPP

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/9, tại Tokyo, các quan chức Nhật Bản và Mỹ đã bắt đầu tiến hành vòng 2 đàm phán tự do thương mại về ngành chế tạo ô tô, hàng rào phi thuế quan trong lĩnh vực bảo hiểm, tài sản trí tuệ - những vấn đề đang trở thành rào cản lớn nhất để hoàn thành tiến trình đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trước đó, trong vòng đàm phán đầu tiên diễn ra vào tháng 8, Tokyo và Washington đã không đạt được thỏa thuận do không tìm ra điểm chung. Việc tiến hành đối thoại song phương này vốn là do Mỹ yêu cầu nhằm mở rộng việc khai thác thị trường Nhật Bản, thông qua việc thiết lập các tiêu chuẩn an toàn thống nhất trong ngành chế tạo ô tô cùng nhiều biện pháp khác. Các thỏa thuận đạt được trong các cuộc đàm phán song phương liên quan đến ngành chế tạo ô tô sẽ được phản ánh trong các cuộc đàm phán về TPP, trong khi các biện pháp bãi bỏ thuế quan sẽ được bổ sung bởi mỗi nước. 

Hiện, các nước tham gia đàm phán TPP, trong đó có Nhật Bản và Mỹ, đang lên kế hoạch đạt được một thỏa thuận cơ bản tại Hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra ngày 8/10 tại Bali, Indonesia. Theo kế hoạch, 12 nước tham gia đàm phán TPP - gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, sẽ đạt sự thống nhất rộng rãi về TPP vào tháng 10, mở đường cho việc ký kết TPP vào cuối năm nay. Tuy nhiên, với những bất đồng còn tồn tại giữa các bên, trong đó có đàm phán TPP Nhật - Mỹ, các chuyên gia phân tích cho rằng, các bên khó có thể "về đích" đúng thời hạn đó do những bất đồng trong hàng loạt các vấn đề đang trở thành "các chướng ngại vật" trên con đường hướng tới TPP. 

Nếu được thành lập, TPP sẽ trở thành một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới với hơn 792 triệu người, đóng góp gần 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu. Sau khi được thành lập, TPP sẽ được mở rộng theo từng giai đoạn để thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, hướng tới việc thành lập Khu vực Thương mại Tự do (FTA) châu Á - Thái Bình Dương.