So sánh với nhật thực toàn phần lần trước đi qua nước Mỹ vào năm 2017, nhật thực năm nay sẽ kéo dài hơn và bầu trời sẽ trở nên tối hơn, tạo nên một cảnh tượng ngoạn mục. Đây là sự kiện thiên văn vô cùng hiếm hoi mà các nhà khoa học cho rằng phải hàng trăm năm mới diễn ra một lần.
Nhật thực là khi Mặt Trăng ở vị trí chặn chính giữa Trái Đất và Mặt Trời, bầu trời sẽ bị che lấp và bóng tối bao phủ, chỉ có một vầng hào quang của Mặt Trời le lói xuất hiện phía sau Mặt Trăng.
Dự kiến, lần nhật thực này được tính sẽ kéo dài gần 4 phút rưỡi. Thời gian này gần gấp đôi nhật thực toàn phần của Mỹ đã xảy ra từ năm 2017. Đây là một cơ hội đặc biệt hiếm cho cả những người dân và nhà nghiên cứu quan sát.
Tại Việt Nam, lần nhật thực toàn phần gần đây nhất diễn ra vào ngày 22/7/2009, khi dải nhật thực bắt đầu từ Ấn Độ và đi qua nhiều nước Đông Nam Á trước khi kết thúc hành trình tại Việt Nam. Người dân miền Trung, từ Quảng Trị đến Bình Định, may mắn được chiêm ngưỡng trọn vẹn cảnh tượng mặt trời bị mặt trăng che khuất hoàn toàn.
Đây là sự kiện thiên văn đáng nhớ, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam chứng kiến nhật thực toàn phần sau gần nửa thế kỷ. Tuy nhiên, theo tính toán phải đến tận ngày 11/4/2070, người Việt Nam mới có thể lại trải nghiệm điều kỳ thú này. Dải nhật thực toàn phần tiếp theo dự kiến sẽ đi qua các tỉnh phía Nam, từ Cà Mau đến Bình Thuận.