Vô tư xả thải
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị trong tuần qua, từ chợ đầu mối tới chợ dân sinh hay chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn TP, cứ giờ tan tầm, khối lượng rác thải để lại vô cùng lớn như túi nilon, giấy rác, rau cỏ đến các sản phẩm thừa, nước thải trong hoạt động giết mổ gà, vịt, cá.
Số rác thải này một phần được thu gom, một phần vẫn tích tụ lại gây ô nhiễm môi trường. Đó là chưa kể, hệ thống thoát nước chưa tốt dẫn đến nước thải chảy lênh láng ra nền chợ, ảnh hưởng không nhỏ đến vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ cũng như sinh hoạt của các hộ dân xung quanh.
Điển hình như chợ Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng), đi sâu vào khu vực mua buôn, hàng hóa được bày bán tràn lan, ở khu vực bán thực phẩm tươi sống luôn trong tình trạng ẩm ướt. Mùi hôi, tanh nồng nặc bốc lên từ quầy bán cá, gia cầm khiến cho không khí không mấy dễ chịu, nhất là vào những ngày mưa, các rãnh nước xung quanh ứ đọng, gây mất vệ sinh.
Cũng trên địa bàn quận này, ngay đầu lối rẽ vào chợ Vĩnh Tuy, hai bên đường bày bán la liệt các mặt hàng thực phẩm, từ rau củ quả, thịt lợn, cá biển, đồ khô, hoa quả... Rác thải, kể cả nước thải sinh hoạt cũng được một số hộ xả trực diện ra đường, khiến bộ mặt của chợ luôn trong tình trạng nhếch nhác.
Tương tự, tại các chợ dân sinh như chợ Mai Động, chợ Đại Từ (quận Hoàng Mai), chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), nếu như khu vực buôn bán hải sản, gia cầm nồng nặc mùi hôi, tanh, thì ở khu vực bán hoa quả là những đống hoa quả hỏng, thối, dập… được tiểu thương vứt bừa bãi, khu vực rau xanh là cảnh rau già, rau thối… tập trung thành từng đống lớn chờ nhân viên vệ sinh đến thu gom, quét dọn.
“Khách có nhu cầu làm sạch rau củ quả tại chợ nên không thể tránh được rác từ những thực phẩm này. Tuy nhiên, chúng tôi để gọn vào từng góc, sau đó sẽ có người đến thu gom” - chị Hương, tiểu thương bán rau quả chợ Đại Từ cho biết.
Cốt yếu vẫn là ý thức
Thực tế một số khu chợ cóc trên phố Đại Từ (đoạn từ Nguyễn Cảnh Dị đến đường Đặng Xuân Bảng, phường Đại Kim), khu chợ cóc sát chân các tòa chung cư HH - Linh Đàm (phường Hoàng Liệt) rất nhiều người dân, kể cả người bán và người mua tiện tay vứt rác ngay trên vỉa hè, lòng đường, gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Chị Nguyễn Thị Giang, nhân viên vệ sinh môi trường tại khu chợ Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) cho biết, nhiều người buôn bán ở đây chưa thực sự có ý thức. Rác vẫn vứt la liệt ra ngay nơi bán hàng, nước thải thì đổ tại chỗ khiến cho quá trình đi thu gom rác gặp khó khăn.
Tình trạng người dân, tiểu thương chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường dường như ở chợ nào cũng có.
Ông Nguyễn Quang Sơn - Giám đốc Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam cho biết, do là chợ đầu mối kết hợp chợ dân sinh, ý thức của các hộ kinh doanh và người dân còn nhiều hạn chế nên khó khăn cho công tác quản lý chợ nói chung và bảo vệ môi trường nói riêng. Đặc biệt, khu vực bên ngoài khuôn viên chợ, thậm chí ngay trước cổng chợ, các sạp hàng, gánh hàng rong vẫn vô tư vứt rác, xả nước thải ra môi trường.
"Trong năm 2019, Trung tâm đã lập biên bản nhắc nhở và đình chỉ kinh doanh có thời hạn với hơn 20 trường hợp vi phạm. Đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường đôn đốc, xử lý vi phạm ngoài khu vực chợ nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm được tình trạng này. Cơ bản vẫn là ý thức của người dân, tiểu thương, vì Ban quản lý chợ hay lực lượng chức năng khó có đủ nhân lực, vật lực để giám sát, nhắc nhở 24/24 giờ" - ông Sơn chia sẻ.