Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong những ngày đầu tiên của tháng 6 này, nhiệt độ toàn cầu đã nhanh chóng vượt quá ngưỡng tới hạn. Các nhà nghiên cứu thuộc Chương trình quan sát biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết lần đầu tiên trong tháng 6 đã ghi nhận nhiệt độ bề mặt toàn cầu tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là mức giới hạn đã được các chuyên gia khí hậu và các chính phủ đề ra theo thỏa thuận trong Hiệp định khí hậu Paris nhằm ngăn chặn những tác động không thể đảo ngược đối với môi trường toàn cầu.
Tuy nhiên, theo bà Samantha Burgess, Phó Giám đốc Chương trình Copernicus, việc nhiệt độ toàn cầu tạm thời tăng vượt quá giới hạn không có nghĩa con người đã vi phạm Hiệp định khí hậu Paris. Vi phạm chỉ được xác định khi mức tăng nhiệt độ duy trì trong thời gian đủ dài như vài thập kỷ, thay vì chỉ là vài tuần. Mặc dù vậy, việc nhiệt độ Trái đất đã có 11 ngày vượt quá ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào mùa Hè cho thấy tầm quan trọng của việc chúng ta cần phải theo dõi chặt chẽ hơn sức khỏe của hành tinh.
Đây cũng là lần đầu tiên nhiệt độ Trái đất ghi nhận mức tăng kỷ lục trong tháng 6. Hiện tượng thời tiết El Niño kéo dài trong nhiều năm sẽ còn kéo theo nhiều diễn biến thời tiết cực đoan trong tương lai. Bà Burgess cảnh báo nhiệt độ năm 2024 sẽ còn cao hơn năm nay khi El Niño bước vào giai đoạn phát triển và khi nhiệt độ toàn cầu càng cao thì càng gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan và nghiêm trọng hơn.
Tháng trước, Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) cũng đã cảnh báo nhiệt độ toàn cầu sẽ cao kỷ lục trong 5 năm tới. Theo dự báo của tổ chức này, có tới 98% xác suất năm nóng nhất sẽ rơi vào giai đoạn từ năm 2023-2027 và Trái Đất có thể sẽ ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ trung bình trong quãng thời gian này. Các chuyên gia khí hậu cho biết hiện tượng El Niño sẽ mạnh lên trong những tháng tới và nếu kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra thì có thể đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức cao chưa từng có. Điều này sẽ gây ra những tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực và quản lý nguồn nước, môi trường của con người.