Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều băn khoăn quản lý an toàn thực phẩm

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 9/5, tại UBND quận Cầu Giấy, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với báo Hànộimới và UBND quận Cầu Giấy tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nhân rộng mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”.

Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì An toàn thực phẩm (ATTP) năm 2019.Dự tọa đàm có Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung; Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Ngọc Dung cùng các ngành chức năng và đại diện 18 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP và 8 phường thuộc quận Cầu Giấy.
Buổi tọa đàm hướng đến mục đích nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc cung cấp thực phẩm an toàn; nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc... Mặt khác, buổi tọa đàm cũng góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP.

Phạt hành chính 266 cơ sở

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long cho biết, hiện nay, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Chưa bao giờ sự lo ngại trước vấn đề an toàn thực phẩm lại tăng cao như hiện nay. Thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.

“Có thể thấy, một trong những giải pháp quan trọng trong công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm là đẩy mạnh tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời về thực phẩm an toàn, nhất là các điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm”, ông Nguyễn Hoàng Long cho biết.
 Toàn cảnh buổi tọa đàm trực tuyến
Trong khi đó, báo cáo tình hình quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn TP 4 tháng đầu năm 2019. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, hiện TP quản lý khoảng 66.531 cơ sở thực phẩm. Trong đó, kinh doanh thực phẩm là 23.154 cơ sở; dịch vụ ăn uống là 25.484 cơ sở; sản xuất thực phẩm là 10.392 cơ sở; kinh doanh thức ăn đường phố là 7.501 cơ sở. Đối với ngành Y tế quản lý 38.086 cơ sở, trong đó, tuyến TP quản lý là 3.912 cơ sở; tuyến quận, huyện, thị xã quản lý là 13.082 cơ sở; tuyến xã/phường, thị trấn quản lý là 21.092 cơ sở.

“Về việc triển khai một số mô hình, năm 2019 tiếp tục triển khai 14 tuyến phố ATTP tại 12 quận, huyện; nâng cao chất lượng bếp ăn tập thể; triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP. Về công tác thông tin tuyên truyền: Ngay từ đầu năm, Sở đã thành lập 712 đoàn kiểm tra. Thanh tra Sở Y tế đã phạt tiền 266 cơ sở với tổng số tiền là 1.092.874.000 đồng. Trong đó, dịch vụ ăn uống là 85 cơ sở với tổng số tiền là 445.200.000 đồng, thức ăn đường phố là 181 cơ sở với tổng số tiền 647.674.000 đồng ”, ông Trần Văn Chung nói.
Ý thức người dân chưa cao

Với việc năm 2018 là năm đầu tiên Hà Nội triển khai triển khai thực hiện mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát. Trong quá trình triển khai tại 8 quận, huyện cho thấy, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được cải thiện điều kiện cơ sở vật chất. Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ, nguyên nhân là do nhiều cơ sở kinh doanh phải đi thuê địa điểm và sự hợp tác của chủ nhà chưa cao.

“Phải nói rằng sự đầu tư của một số cơ sở về trang thiết bị, dụng cụ còn hạn chế như, bàn ghế chưa đồng bộ, còn sử dụng bàn ghế nhựa chưa phù hợp. Nguyên liệu chế biến thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố chưa rõ nguồn gốc. Việc cập nhật phiếu giao nhận thực phẩm chưa được tiến hành thường xuyên, việc ghi chép vào sổ nguồn gốc nguyên liệu chưa đầy đủ. Tuy nhiên, việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát còn khó khăn do chủ cơ sở thường xuyên vắng mặt, chỉ tiếp cận được với nhân viên bán hàng. Một số cơ sở kinh doanh vào buổi tối và đêm; một số cơ sở kinh doanh thay đổi liên tục do đóng cửa hoặc khai trương mới, đổi chủ kinh doanh... làm cho công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn”, ông Trần Ngọc Tụ nói.
 Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung phát biểu tại buổi tọa đàm.
Cũng theo ông Trần Văn Chung, trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai từ 30 tuyến phố ATTP có kiểm soát trên địa bàn cấp quận, theo Ban Chỉ đạo T.Ư và TP, trong giai đoạn 2016-2020 Sở Y tế Hà Nội sẽ tham mưu xây dựng mô hình tập trung vào cơ sở dịch vụ ăn uống tại tuyến phố, đặc biệt ở khu vục nội thành để có sự triển khai đồng bộ, nâng cao công tác bảo đảm ATTP cũng như thông tin truyền truyền.

“Năm 2017, UBND TP Hà Nội chỉ đạo 2 đơn vị xây dựng điểm nhưng chỉ có 1 đơn vị xây dựng thành công tại Thượng Đình (quận Thanh Xuân). Năm 2018, TP xây dựng thêm 8 tuyến phố tại các quận, huyện. Tháng 1/ 2019, Sở Y tế Hà Nội kết hợp với Sở Y tế 21 tỉnh, TP cùng chuyên gia của Bộ Y tế tổ chức đánh giá 8 tuyến phố này. Qua rà soát, đánh giá cho thấy để triển khai được các tuyến phố cần sự vào cuộc của các lực lượng: Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống có điều kiện và đặc biệt là sự chung tay của các cấp chính quyền”, ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.

Cũng qua buổi tọa đàm cho thấy, dù thời gian qua đã có những tiến bộ nhất định, song công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức do nhịp độ phát triển kinh tế nhanh, quy mô sản xuất, kinh doanh cơ bản vẫn là nhỏ lẻ; nguồn lực và đầu tư kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; công tác quản lý còn nhiều hạn chế, bất cập...