Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều băn khoăn về "thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19" trong văn bản đã bị thu hồi

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Y tế vừa có văn bản số 5967/BYT-YDCT thu hồi công văn số 5944/BYT-YDCT liên quan đến 12 loại thuốc được hướng dẫn điều trị Covid-19 gây tranh cãi. Trong đó, phần phụ lục công văn 5944 Hướng dẫn sử dụng có đề cập đến một loại thuốc được có tác dụng "phòng, điều trị Covid-19" từng bị Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cảnh báo về hiệu quả, công dụng.

Cụ thể, tại phụ lục Công văn 5944, phần phụ lục Hướng dẫn sử dụng ở mục Phòng và hỗ trợ điều trị có nhắc đến loại thuốc Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương với phần hướng dẫn chi tiết cách sử dụng, liều dùng.

Thực tế, Kovir chỉ là 1 sản phẩm thực phẩm chức năng, hoàn toàn không có tác dụng trong điều trị bất cứ loại bệnh gì. Văn bản xác nhận công bố sản phẩm Kovir do Cục trưởng cục an toàn thực phẩm ký ngày 31/7/2017.

Sau khi nhiều người tiêu dùng hiểu nhầm công dụng của Kovir, trong đó hiểu nhầm có thể tăng sức đề kháng, hỗ trợ điều trị Covid-19, ngày 14/9/2020, trang web của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã đăng thông tin cảnh báo, trong đó khẳng định: “Thông tin hỗ trợ điều trị Covid-19 của Kovir là không chính xác, không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị Covid-19. Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành để xác minh, xử lý theo quy định”.
 Thông báo điều chỉnh giá bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty Sao Thái Dương
Thế nhưng, gần một năm sau, Cục Quản lý Y dược Cổ truyền lại cho phép sử dụng, coi đây là sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19. Vậy Cục An toàn thực phẩm hay Cục Quản lý Y dược Cổ truyền đáng tin hơn? Việc này, cần sự vào cuộc, lên tiếng của Bộ Y tế, tránh để "ông nói gà, bà nói vịt" và người dân thì chẳng biết tin vào đâu.
Chưa hết, trước khi được Cục Quản lý Y dược Cổ truyền (Bộ Y tế) đưa vào trong danh mục: “Hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu trong phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19”, sản phẩm Kovir của Sao Thái Dương nâng giá gấp mấy lần.
Trước đó, trên một số trang mạng, sản phẩm được bán với giá, 245.000 - 35.000 đồng/hộp 40 viên. Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây sản phẩm này có giá tăng chóng mặt. Chẳng hạn, trên trang saothaiduong.com, sản phẩm viên nang Kovir (hai vỉ x15 viên) có giá là 1 triệu đồng. Trên một trang mạng khác là shop.saothaiduong.com.vn viên nang cứng Kovir (hộp 1 chai × 60 viên) còn có giá là 2 triệu đồng.
 Công ty niêm yết giá bán trên trang Saothaidương.com.vn

Cũng tại văn bản 5944/BYT-YDCT ngày 24/7 Bộ Y tế cho hay sẽ xử lý nghiêm theo quy định các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh vi phạm về quy chế chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; quảng cáo không đúng nội dung được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kinh doanh, sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, đầu cơ tăng giá dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và các sản phẩm sản xuất từ dược liệu.

Vậy hành vi tăng giá bán sản phẩm viên nang cứng Kovir lên gấp nhiều lần của Công ty Sao Thái Dương có được coi là đầu cơ tăng giá, ảnh hưởng tới người tiêu dùng, nhất là tỏng thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên cả nước như hiện nay?

Ngoài ra, 1 trong 12 sản phẩm khácđược hướng dẫn sử dụng hỗ trợ điều trị Covid-19 kèm theo Công văn 5944/BYT-YDCT của Bộ Y tế là Hoạt huyết Nhất Nhất. Sau khi công văn này bị thu hồi, ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y dược Cổ truyền (Bộ Y tế) giải thích: “Sản phẩm hoạt huyết không phải là thuốc điều trị Covid-19 mà là sản phẩm trong danh sách đơn vị tài trợ, nên chúng tôi hướng dẫn sử dụng". Vậy, nghĩa là cứ nằm trong danh sách tài trợ, sẽ được Cục Quản lý Y dược Cổ truyền đưa vào danh mục để hướng dẫn cho người dân sử dụng?

Điều đáng nói, tại công văn 5944, do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký, không hề nhắc gì tới 12 sản phẩm này, mà chỉ đề nghị các bệnh viện, cơ sở y tế cân nhắc sử dụng các sản phẩm y học cổ truyền hỗ trợ điều trị Covid-19. Văn bản đính kèm nội dung: “Hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu trong phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19” ghi chi tiết 12 loại thuốc, bên dưới có ghi tên Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhưng chữ ký để trống. Việc làm này có gì thiếu minh bạch từ Cục Quản lý Y dược Cổ truyền của Bộ Y tế?

Dù văn bản 5944/BYT-YDCT đã bị huỷ chỉ sau 2 ngày ban hành, nhưng nhiều câu hỏi chưa được giải thích thỏa đáng và cần sự vào cuộc của Bộ Y tế.