Nhiều bất cập ở Đại lộ Thăng Long

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được đầu tư trên 7.500 tỷ đồng với mục tiêu biến tuyến giao thông trục phía Tây thành con đường hiện đại bậc nhất Thủ đô. Tuy nhiên, việc quản lý và khai thác Đại lộ Thăng Long đang nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, khiến tuyến đường chưa phát huy được giá trị như kỳ vọng.

Vi phạm trật tự đô thị

Chạy xe dọc tuyến đường dài gần 30km, dễ dàng bắt gặp nhiều hình ảnh không đẹp mắt. Đầu tiên phải kể tới tình trạng tờ rơi, poster, băng - rôn quảng cáo được chăng, treo tràn lan tại các cột đèn đường, gốc cây xanh, xuất hiện nhiều nhất tại đoạn tuyến thuộc khu vực phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) tới mốc chỉ giới địa phận huyện Hoài Đức. Theo mưa nắng thời gian, rất nhiều tấm poster quảng cáo đã bị rách nát, nhem nhuốc, đứt gãy bay tả tơi, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị.
Cầu chui dân sinh số 5 trêm Đại lộ Thăng Long ứ đọng nước mỗi khi trời mưa (ảnh trái) và băng rôn quảng cáo chằng chịt trên cột điện.     Ảnh: Lâm nguyễn
Băng rôn quảng cáo chằng chịt trên cột điện. Ảnh: Lâm Nguyễn
Không chỉ vậy, 7 gầm cầu vượt trên đại lộ đang chiếm dụng, biến thành nơi kinh doanh giải khát. Điều đáng nói, khách dừng chân uống nước thường ngang nhiên để xe ngay dưới lòng đường, vỉa hè, điểm quay đầu, lối rẽ lên các cây cầu vượt, gây cản trở giao thông. Cũng tại Km15 thuộc xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, hướng Hà Nội - Hòa Lạc, nhà dân và các biển hiệu quảng cáo được dựng san sát đại lộ, trong khi ở hướng ngược lại, người dân cũng vô tư bày bán nông sản tràn lan dưới lòng đường, đặc biệt, tại địa phận huyện Quốc Oai, gần khu vực cầu vượt Sài Sơn, một "chợ gia cầm" cũng ngang nhiên hoạt động gây mất VSMT, là nguy cơ tiềm ẩn gây TNGT, nhất là những khi trời tối.

Hạ tầng chưa hoàn thiện

Có mặt tại khu vực cầu chui dân sinh số 5 (Km10+056), chúng tôi được chứng kiến cảnh tượng nước chảy lênh láng sau những cơn mưa vừa qua. Ngoài ra, tại đường dẫn xuống cầu vượt Hoàng Xá, mặt đường lồi lõm, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ trâu, hễ gặp mưa là ứ đọng nước, trong khi trời nắng thì mịt mù khói bụi, gây rất nhiều khó khăn cho người tham gia giao thông. Được biết, các cơ quan quản lý đã nhiều lần tu sửa nhưng bằng cách rải sỏi nên chỉ sau một thời gian ngắn, mặt đường lại rơi vào cảnh nham nhở. Hiện tại, các cây cầu vượt trên đại lộ đều đã được đưa vào hoạt động nhưng vẫn còn những hạng mục dang dở, không biết tới khi nào mới hoàn thiện.  
"Để quản lý tốt hành lang ATGT nói riêng và không gian đô thị nói chung trên tuyến đại lộ, rất cần sự phối hợp của các đơn vị liên quan như Sở Xây dựng Hà Nội, hay trực tiếp là Ban QLDA đầu tư xây dựng mở rộng đường Láng - Hòa Lạc. " - Ông Hoàng Ngọc Đức - Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Nam Từ Liêm
Ghi nhận vào đầu tháng 9 vừa qua, dọc tuyến đường dài hơn 30km, hệ thống chiếu sáng hai làn đường chính được vận hành tương đối đồng đều, liên tục với mật độ 2 đèn tối, 1 đèn sáng và xen kẽ nhau. Dù tại một số đoạn tuyến, đèn hỏng nhưng việc đi lại tại hai làn đường này ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tại hai làn đường gom lại xảy ra tình trạng đoạn có đèn, đoạn không có đèn. Qua khảo sát cho thấy, số lượng đèn hiện bị hỏng ngày càng nhiều. Điển hình như đoạn tuyến từ cầu vượt tỉnh lộ 70 tới Km8+154, thuộc địa phận huyện Hoài Đức đang bị mất điện hoàn toàn. Đoạn cầu vượt sông Đáy đến cầu chui đê hữu Đáy (Km15+500) huyện Quốc Oai thì "có đèn chiếu sáng cũng như không". Đoạn đường từ cầu chui liên tỉnh (Km7+734) qua hầm Mễ Trì cũng tối thui khi đêm xuống, khiến tình trạng giao thông trên đại lộ thêm phần phức tạp. Tai nạn rình rập đe dọa tính mạng của người tham gia giao thông. 

Anh Nghiêm Xuân Tùng - Cán bộ Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, hàng ngày phải di chuyển qua tuyến đường, bức xúc: "Phần đường gom là nơi tập trung rất đông phương tiện gồm cả xe thô sơ, xe gắn máy và ô tô các loại. Thế nhưng khi trời tối, đèn đường lại không được bật sáng khiến việc đi lại của người dân rất mất an toàn. Không hiểu hệ thống chiếu sáng được lắp đặt để làm gì (!)". 

Cần xem lại việc tổ chức giao thông

Là tuyến đường cao tốc nhưng tham gia giao thông qua hai đường gom, chúng tôi vẫn phải mất cả tiếng đồng hồ cho hơn 30km đường vì liên tục phải giảm tốc độ tránh xe đi ra từ những ngã rẽ, điểm giao cắt nằm dọc tuyến. Lý do là bởi Đại lộ Thăng Long được thiết kế gồm hai làn đường cao tốc dành riêng cho ô tô ở giữa và hai tuyến đường gom (đường đô thị) dọc hai bên đại lộ. Lộ trình được thiết kế để các phương tiện di chuyển một chiều. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân sống dọc hai bên tuyến cao tốc, cuối năm 2010, Sở GTVT Hà Nội tổ chức cho xe máy và xe thô sơ đi hai chiều; ô tô được đi một chiều theo hướng từ Km4 đến Km30 và ngược lại. Thực tế, việc tổ chức giao thông nêu trên một mặt đem lại sự tiện lợi cho người dân, nhưng ở khía cạnh khác lại làm chậm tốc độ lưu thông của các phương tiện. Tình trạng ùn ứ, lộn xộn và tai nạn rất dễ xảy ra do dòng xe chạy đan xen lẫn lộn. 
Cầu chui dân sinh số 5 trêm Đại lộ Thăng Long ứ đọng nước mỗi khi trời mưa (ảnh trái) và
Cầu chui dân sinh số 5 trêm Đại lộ Thăng Long ứ đọng nước mỗi khi trời mưa.
Cũng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đi lại của người dân, 19 cầu chui dân sinh cùng  nhiều cầu chui ô tô đã được xây dựng trên toàn tuyến đại lộ. Tuy nhiên, chính những cầu chui này lại đang khiến tình trạng giao thông trở nên phức tạp hơn. Theo quan sát, lối rẽ, góc cua vào các cửa cầu chui dân sinh rất khó nhận biết do bị cây dại mọc cao che khuất tầm nhìn. Đây cũng là nguyên nhân của không ít vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đại lộ những năm qua.

Trước tình trạng nêu trên, ông Cao Văn Hiệp - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã có kiến nghị các đơn vị chuyên trách thuộc Sở GTVT Hà Nội sớm tổ chức xén hè mở rộng góc cua đường tại các cầu chui dân sinh, làm gờ giảm tốc phần làn dành cho ô tô và rà soát lắp đặt bổ sung biển báo hiệu. Đồng thời, tiến hành bó vỉa hè tại những đoạn tuyến đã có hành lang giao thông đường bộ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho việc đi lại lâu dài của người dân, theo ông Cao Văn Hiệp, việc nghiên cứu tổ chức lại giao thông trên tuyến đường gom để cho người và phương tiện di chuyển theo chỉ một chiều là rất cần thiết. Chỉ khi các đơn vị chức năng, cụ thể là Sở GTVT Hà Nội và Ban QLDA đầu tư xây dựng mở rộng đường Láng - Hòa Lạc có những giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ những bất cập hiện nay trên tuyến cao tốc thì người tham gia giao thông mới có thể vơi bớt phần nào nỗi lo mỗi khi di chuyển qua tuyến đại lộ này.

 
Theo thống kê của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, trong 8 tháng đầu năm 2014, trên tuyến Đại lộ Thăng Long đã xảy ra 8 vụ TNGT từ nghiêm trọng trở lên, làm 8 người chết và bị thương 9 người. Cũng trong năm 2013, trên tuyến đường xảy ra tổng cộng 19 vụ TNGT, làm 19 người chết và 5 người bị thương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần