Nhiều bất cập tồn tại trong lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bất cập rõ nhất được thể hiện ở điểm thiếu sự thu hút và sức hấp dẫn cả về cơ sở vật chất và lĩnh vực đào tạo.

KTĐT - Bất cập rõ nhất được thể hiện ở điểm thiếu sự thu hút và sức hấp dẫn cả về cơ sở vật chất và lĩnh vực đào tạo.

Nhiều bất cập tồn tại trong lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp của thành phố đã được các đại biểu chỉ ra và tranh luận tại hội thảo “Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh” ngày 23/1.

Tiến sĩ Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố thừa nhận rằng thời gian qua, mạng lưới trường lớp chuyên nghiệp đã từng bước phát triển và đạt được những thành quả đáng kể, nhưng so với yêu cầu phát triển của xã hội, mức độ đáp ứng của giáo dục chuyên nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều bất cập.

Bất cập rõ nhất được thể hiện ở điểm thiếu sự thu hút và sức hấp dẫn cả về cơ sở vật chất và lĩnh vực đào tạo.

Theo báo cáo, từ năm 1999 đến nay, mạng lưới giáo dục chuyên nghiệp thành phố đã phát triển từ 3 cở sở lên thành 41 cở sở trung cấp chuyên nghiêp, đào tạo mỗi năm khoảng 30.000 học sinh. Trong đó, 2/3 là các cơ sở ngoài công lập và một số cơ sở đã được nâng cấp thành cao đẳng.

Những con số trên cho thấy, giáo dục chuyên nghiệp của thành phố chỉ mới đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu tuyển dụng thực tế của xã hội.

Để giải quyết vấn đề này, thành phố đã đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2015 sẽ đầu tư xây dựng hai trường chuyên nghiệp tiên tiến, hiện đại để có thể tiếp cận được các tiêu chuẩn đào tạo trong khu vực và quốc tế. Đồng thời, thành phố mở rộng mạng lưới các trường trung cấp chuyên nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% lao động được qua đào tạo nghề trong đó có 50% trình độ từ trung cấp trở lên.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, đã chỉ ra những bất cập trong giáo dục chuyên nghiệp không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà trên cả nước. Đó là chương trình đào tạo chậm đổi mới, còn thiên về lý thuyết ít gắn với nhu cầu xã hội; phương pháp dạy học lạc hậu, ít phát huy tính sáng tạo, chủ động của học sinh; đa số giáo viên còn thiếu kỹ năng nghề, năng lực thực hành yếu; chất lượng đào tạo chưa cao nên không thu hút được các nguồn đầu tư từ xã hội hóa...

Thành phố muốn phát triển giáo dục chuyên nghiệp, trước hết cần phải tuân thủ cơ chế thị trường, quy luật cung cầu về ngành nghề đào tạo, quy luật cạnh tranh về chất lượng đào tạo và quy luật giá trị hướng đến mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn xã hội.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã thống nhất quan điểm cần đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên bởi sự yếu kém của đội ngũ giáo viên trung cấp chuyên nghiệp đã dẫn tới chất lượng đào tạo chưa thuyết phục được các nhà tuyển dụng lao động.

Cùng với việc nâng chất lượng đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp dạy và đào tạo cũng cần được đổi mới.

Tiến sĩ Ninh Văn Minh cho rằng nội dung chương trình đào tạo nên xây dựng theo hướng tích hợp giữa kiến thức chuyên môn nghề nghiệp và các môn thực hành; gắn thị trường lao động và việc làm với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội...

Ngoài ra, để cải thiện chất lượng đào tạo, thành phố cần có sự kết hợp giữa nhà đào tạo với các doanh nghiệp, làm cho đào tạo gắn với sản xuất và dịch vụ./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần