Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 với 4 môn thi (Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lịch sử) thay vì Toán, Ngữ văn như năm trước. Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố điểm trúng tuyển trường THPT chuyên và 112 trường THPT công lập. Điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 của 4 trường THPT chuyên năm nay cao hơn hẳn năm trước vài điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập lại thấp hơn khá nhiều.
Kỳ thi lớp 10 THPT tại Hà Nội kết thúc, nhiều phụ huynh, học sinh vẫn không mấy đồng thuận với việc phân chia cụm thi trong kỳ thi và mong muốn năm học 2020 - 2021, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ phân chia học sinh học tại quận nào sẽ thi tại cụm thi quận đó. Điều này giúp các em không phải tất bật, lo lắng trong những ngày thi vì quãng đường xa, tắc đường... để đến trường kịp giờ thi. |
Đơn cử, điểm trúng tuyển vào lớp 10 trường THPT Phan Đình Phùng là 46,25 (thấp hơn 4,25 điểm), Phạm Hồng Thái 42,25 (thấp hơn 5,75 điểm), Nguyễn Trãi - Ba Đình 41,50 (thấp hơn 6 điểm), Hoàng Văn Thụ 39 điểm (thấp hơn 6,5 điểm), Nguyễn Gia Thiều 41,75 (thấp hơn 7,75 điểm), Sóc Sơn 35 điểm (thấp hơn 7,5 điểm). Thậm chí, 3 trường THPT có số điểm thấp hơn kỷ lục so với năm trước: Bắc Thăng Long 33 điểm (thấp hơn 10 điểm), Lý Thường Kiệt 36,50 điểm (thấp hơn 10,5 điểm), Liên Hà 35 điểm (thấp hơn 12 điểm).
Thông tin về phổ điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết: Tất cả 4 môn thi có tổng số bài thi đạt điểm trung bình cao hơn, số điểm tốt tăng, số bài thi đạt điểm 10 cũng nhiều hơn năm trước. Cụ thể, tỷ lệ điểm trên trung bình ở môn Toán đạt 80,22%, Ngữ văn 87,24%, Ngoại ngữ 55,78% và Lịch sử có 89,08% bài thi đạt điểm trên trung bình. Toàn TP có 2.332 bài thi môn Toán, Anh, Lịch sử đạt điểm 10. “Điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm nay tốt hơn cho thấy công tác biên soạn đề đã được thực hiện nghiêm túc, đề thi có tính phân hóa và nằm trong phạm vi chương trình THCS như đã công bố” - ông Quang nhận định. Không chỉ thế, với môn Lịch sử, trong số trên 80.000 thí sinh dự thi, có tới gần 1/4 bài thi đạt điểm từ 8 - 9; 951 điểm 10 và gần 90% bài đạt điểm trên trung bình.
Lo ngại trình độ tiếng Anh của học trò Một điều đáng chú ý, khi biết được điểm thi, nhiều giáo viên và phụ huynh rất bất ngờ về phổ điểm môn tiếng Anh có tới 1.355 điểm 10, chiếm nhiều nhất trong 4 môn thi nhưng lại có tới 37.600 thí sinh bị điểm dưới trung bình. Theo đánh giá của các giáo viên tiếng Anh - Hệ thống giáo dục HOCMAI, đề thi không đánh đố thí sinh, ngược lại khá dễ thở vì có tới 80% câu hỏi kiểm tra các kiến thức cơ bản, không xuất hiện nhiều câu hỏi về từ vựng... Với 44,22% số thí sinh có điểm tiếng Anh dưới trung bình, nhiều giáo viên lo ngại về trình độ tiếng Anh của phần lớn học sinh còn quá yếu, chưa đạt tới mức độ cơ bản. Đề thi tiếng Anh chủ yếu tập trung vào ngữ pháp vì thế các giáo viên mong muốn, sang năm đề sẽ hay hơn khi cân đối được số lượng các câu hỏi từ vựng và ngữ pháp mà vẫn phân loại được học sinh.
Với phổ điểm môn Ngữ văn, nhiều người lại băn khoăn khi không có bài thi nào đạt điểm 10. TS ngữ văn Trịnh Thu Tuyết cho biết, từ xưa đến nay, trong mọi kỳ thi không có điểm 10 Văn nào đạt tới sự thống nhất của mọi người đọc, người chấm. Do vậy, việc không có điểm 10 môn Văn trong một kỳ thi cũng không nên đặt thành vấn đề.
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, khi đăng ký dự tuyển, học sinh phải sắp xếp theo thứ tự: nguyện vọng 1 (NV1) và NV2. Nếu học sinh đã trúng tuyển NV1, thì không được xét tuyển NV2. Trường hợp học sinh không trúng tuyển NV1, được xét đến NV2 với điều kiện phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường đó ít nhất 1,5 điểm. Thời gian đăng ký trúng tuyển của cả hai NV1 và NV2 là cùng lúc. Trong thời gian này, thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng cho đến hết ngày 22/6.