Nhiều bệnh viện đi đầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin

Vân Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để triển khai thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, một số BV trên địa bàn Hà Nội đã áp dụng CNTT, mang lại thay đổi tích cực, giúp người bệnh thuận lợi hơn khi đi KCB.

Ghi nhận tại BV Đa khoa Đức Giang - đơn vị đi đầu trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý KCB, bắt đầu từ việc ứng dụng thẻ từ thông minh. Theo đó, BV đã cấp 15.000 thẻ từ thông minh cho người dân. Ông Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc BV cho biết, hiện trung bình mỗi ngày, tiếp nhận 1.200 lượt người đến KCB.
Việc ứng dụng thẻ từ thông minh giúp giảm thời gian chờ đợi cho một bệnh nhân đăng ký khám bệnh từ 30 phút xuống chỉ còn 5 - 10 giây. Mặt khác, từ năm 2018, BV đã thí điểm ứng dụng nhận diện vân tay giúp quản lý tốt hồ sơ bệnh án cũng như ngăn chặn lạm dụng BHYT.
Theo ông Nguyễn Khuyến - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Đa khoa Đức Giang, năm 2018, BV được UBND TP Hà Nội giao thực hiện thí điểm phần mềm mới để chuẩn bị cho việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Từ tháng 12/2018 đến nay, phần mềm này được triển khai thí điểm ở một số khoa như: Truyền nhiễm, Nội tổng hợp và Khu khám bệnh theo yêu cầu, Khu khám bệnh nội tiết.
Theo đó, khi khám và điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ dùng Ipad để cập nhật tình trạng bệnh nhân và chỉ định thay vì dùng bút ghi giấy như trước. Trong tháng 3 này, nếu phần mềm được nghiệm thu, việc KCB điện tử sẽ được BV triển khai thí điểm. Sau đó, nếu hệ thống vận hành tốt, sẽ triển khai chính thức.
Cùng với đó, để tiến tới không dùng sổ khám bệnh bằng giấy, BV tích cực khai báo thông tin bệnh nhân bằng vân tay như tên tuổi, địa chỉ, số chứng minh thư, số thẻ BHYT, lấy dấu vân tay…
Ông Khuyến cho rằng, để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, các phần mềm quản lý BV (HIS), phần mềm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS), hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS) phải đồng bộ. Hiện nay, hệ thống HIS và LIS tại BV đã khá tốt. Tuy nhiên, với hệ thống PACS, do cần hệ thống lưu trữ thông tin rất lớn nên đòi hỏi có sự đầu tư không nhỏ. Vì vậy, BV Đa khoa Đức Giang đã xây dựng quy hoạch hạ tầng CNTT trình Sở Y tế Hà Nội.
Còn tại BV Tim Hà Nội, hiện trung bình mỗi ngày khám và điều trị cho hơn 1.500 bệnh nhân, nhờ ứng dụng CNTT, kết nối đồng bộ tất cả các quy trình từ tiếp đón, khám bệnh, nhập viện, thanh toán viện phí đã giúp giảm thời gian chờ đợi của người bệnh.
Phó Giám đốc BV Vũ Quỳnh Nga cho biết, việc triển khai bệnh án điện tử tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh cũng như của y, bác sĩ. Các bác sĩ gần như có toàn bộ bệnh án của bệnh nhân chỉ sau vài phút thao tác trên máy tính, thậm chí bệnh nhân kháng thuốc gì, tiền sử bệnh ra sao... đều được hệ thống cảnh báo. Hơn nữa, nếu bệnh án điện tử được liên thông giữa các BV, giữa các tuyến, khi bệnh nhân chuyển tuyến, bác sĩ tuyến trên sẽ nắm được bệnh sử để đưa ra phương án điều trị tối ưu.
Tại BV Đa khoa Hà Đông, ông Đinh Công Dũng - Phó phòng CNTT chia sẻ, từ tháng 11/2018, BV đã thí điểm kết nối máy chụp chẩn đoán hình ảnh với hệ thống quản lý của BV. Đây là hệ thống không phim, truyền tải dữ liệu, trả kết quả trên máy tính, bác sĩ ngồi tại phòng khám có thể xem ảnh chụp của bệnh nhân và đọc kết quả chụp. Trong quá trình thử nghiệm cho thấy, hệ thống vận hành tốt.
Sau khi được cơ quan chức năng phê duyệt, BV sẽ triển khai chụp chẩn đoán hình ảnh không in phim. Bên cạnh đó, BV cũng đã xây dựng quy hoạch về hạ tầng CNTT, trong đó có hệ thống máy chủ, máy lưu trữ và hệ thống đường truyền mạng, trình Sở Y tế Hà Nội phê duyệt.
Tuy nhiên, hiện nay việc ứng dụng bệnh án điện tử tại các BV của Hà Nội cũng như cả nước chưa toàn diện, gặp nhiều khó khăn. Điển hình tại BV Đa khoa Sơn Tây, ông Nguyễn Đình Đính - Giám đốc BV cho rằng, với những BV Đa khoa hạng II, BV tuyến huyện, việc triển khai cần có lộ trình và kinh phí để đầu tư phần mềm quản lý dữ liệu, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực...