Nhiều cách làm sáng tạo của Công an Tây Hồ trong bảo vệ môi trường

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo lãnh đạo Công an quận Tây Hồ, tình trạng tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư (vứt, thải rác sinh hoạt không đúng nơi quy định) đang thường xuyên diễn ra trên địa bàn.

Lực lượng chức năng thu giữ số cánh gà không rõ nguồn gốc trên địa bàn phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Ảnh: Vân Nhi
Lực lượng chức năng thu giữ số cánh gà không rõ nguồn gốc trên địa bàn phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Ảnh: Vân Nhi

Thực tế này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân trong khu vực, gây mất mỹ quan đô thị mà còn gây ra những bức xúc trong dư luận…

Trước thực trạng trên, Công an quận Tây Hồ đã xây dựng Kế hoạch 3499/KH-CATH(CSKT) ngày 30/10/2023 về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn.

Bắt đầu từ ngày 31/10, Công an quận Tây Hồ đã bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư trên toàn địa bàn. Theo đó, Công an quận tập trung kiểm tra, xử lý hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc; vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện); vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại chung cư, khu thương mại dịch vụ hoặc nơi công cộng...

Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; Đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố…

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị và thống kê của Công an quận Tây Hồ, dù mới triển khai được vài ngày (từ 31/10 đến 6/11 - PV), song các lực lượng chức năng quận Tây Hồ đã kiểm tra, xử lý 122 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 97 triệu đồng. Trong đó, các phường có kết quả xử phạt cao gồm: Phường Xuân La, 24 trường hợp; Phường Bưởi, 19 trường hợp; Phường Yên Phụ, 16 trường hợp…

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Long, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ chia sẻ, trước đây tại các ngã ba, nút giao, khu vực vắng người thường xuyên xuất hiện tình trạng đổ trộm rác, phế thải, tiểu tiện bừa bãi… gây mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường (VSMT). Tuy nhiên, từ khi lực công an phường, quận mặc thường phục, chốt trực, ghi hình, xử lý tình trạng đổ trộm, vứt rác thải hay vệ sinh cá nhân sai quy định… những hành vi trên đã giảm đáng kể, từ đó góp phần quan trọng trong việc bảo đảm VSMT, mỹ quan đô thị.

Là đơn vị dẫn đầu toàn quận trong công tác thực hiện Kế hoạch 3499/KH-CATH, Trưởng Công an phường Xuân La Trung tá Trương Đình Bình cho biết, để kế hoạch đi vào thực tiễn, đem lại hiệu quả… trước khi thực hiện, lực lượng chức năng, Công an phường và Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế - Môi trường đã tiến hành trinh sát, lên danh sách các “điểm nóng” để chốt trực, mật phục xử lý.

Đồng quan điểm trên, Trung tá Lê Quang Minh - Đội phó Đội cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế - Môi trường cho biết, để bảo đảm người vi phạm “tâm phục khẩu phục”, ngoài việc bảo đảm ghi hình rõ nét về người vi phạm, hành vi vi phạm, tang vật… lực lượng chức năng sẽ tập trung xử lý tại những khu vực đã được trang bị các dụng cụ phục vụ công tác bảo đảm VSMT như thùng rác, nhà vệ sinh công cộng… nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm.

Đặc biệt, theo Trung tá Lê Quang Minh, sau khi đã tiến hành xử phạt, tổ công tác sẽ chuyển thông tin người vi phạm, nội dung vi phạm về các khu dân cư, tổ dân phố để… lãnh đạo tổ dân phố, hệ thống chính trị khu dân cư có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở phù hợp, từ đó tạo sức răn đe, ngăn chặn các trường hợp khác đã và đang có ý định vi phạm.

Trong khi đó, đề cập đến các giải pháp, biện pháp để duy trì những kết quả đã đạt được của Kế hoạch 3499/KH-CATH, Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh - Trưởng Công an quận Tây Hồ nhấn mạnh, địa bàn nào để xảy ra các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư… gây bức xúc trong dư luận Nhân dân hoặc hoạt động trong thời gian dài mà không bị phát hiện, đấu tranh thì Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế - Môi trường, trưởng công an phường, cán bộ được giao theo dõi, quản lý địa bàn đó phải chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ huy Công an quận.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, không ít người dân trên địa bàn cho rằng, việc ra quân xử lý vi phạm về môi trường trên địa bàn của lực lượng công an quận, phường là việc làm có ý nghĩa thiết thực bảo đảm an toàn, nếp sống văn minh đô thị, cần tiếp tục được nhân rộng trên toàn địa bàn TP. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường trong Nhân dân.

 

Theo thống kê của Công an quận Tây Hồ, từ ngày 15/12/2022 đến 6/11/2023, trong lĩnh vực môi trường, các lượng chức năng quận đã phát hiện và xử lý 225 vụ việc với 226 đối tượng, phạt tiền gần 750 triệu đồng. Trong đó, 107 vụ liên quan đến ATTP; 17 trường hợp đổ thải sai quy định; 32 trường hợp làm rơi vãi bùn đất trong quá trình di chuyển...