Nhiều câu hỏi của luật sư bị bỏ ngỏ trong đại án tham nhũng tại VNCB

Công Tiến - Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/8, phiên xét xử đại án gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục diễn ra với phần đặt câu hỏi của các luật sư đối với các đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tại phiên tòa này, nhiều câu hỏi của luật sư đã bị đại diện NHNN bỏ ngỏ khi liên tục từ chối trả lời hoặc xin phép trả lời sau.
Chú thích ảnh: Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa ngày 9/8 (Ảnh: Công Tiến)
Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa ngày 9/8. Ảnh: Công Tiến
Tại phiên tòa, Luật sư Nguyễn Văn Trung bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh đã đặt câu hỏi với đại diện NHNN về việc, vào tháng 12/2012 tình trạng của Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) đã trở nên tồi tệ hơn nhưng sao không đặt Trustbank vào dạng kiểm soát đặc biệt? Về vấn đề này, đại diện NHNN cho rằng, phải căn cứ vào chủ trương tái cơ cấu của Chính phủ và các quy định pháp luật.

Tiếp đó, luật sư Trung đặt đặt ra thắc mắc, khi tái cơ cấu Trustbank, NHNN chủ trương tìm một tập đoàn đủ năng lực tài chính và chấp thuận cho Tập đoàn Thiên Thanh tham gia tái cơ cấu. Tuy nhiên, trên thực tế, Tập đoàn Thiên Thanh không hề hoạt động liên quan đến lĩnh vực ngân hàng? Trước thắc mắc này, đại diện NHNN đã từ chối trả lời vì cho rằng không liên quan đến nội dung cáo trạng truy tố.

Còn về câu hỏi theo Kết luận thanh tra của NHNN ngày 10/7/2012, thực trạng tài chính của Trustbank lúc này là vốn chủ sở hữu âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế 6.061 tỷ đồng vậy có phải vào thời điểm trên Trustbank đã hết vốn điều lệ và Trustbank luôn có nguy cơ đổ vỡ bất cứ lúc nào? Bà Nguyễn Thị Hòa - Phó Chánh Thanh tra NHNN cũng xin phép để vị đại diện nguyên là Chánh Thanh tra NHNN trả lời sau. Theo lý giải của bà Hòa, NHNN cử 3 người đại diện tham dự phiên tòa, mỗi người nắm một nội dung nên phần này nguyên Chánh Thanh tra sẽ trả lời.

Về việc Danh khai đã bỏ ra 3.600 tỷ đồng để tái cơ cấu Trustbank nay NHNN mua lại với giá 0 đồng liệu có hợp lý? Đại diện NHNN tiếp tục không có ý kiến. Tương tự, khi luật sư Trung đặt câu hỏi, bằng phép màu nào mà trong vòng hơn 1 năm, NHNN đã đưa VNCB từ ngân hàng âm vốn trở thành đủ năng lực? Đại diện NHNN cho biết sẽ trả lời sau.

Khi luật sư Trung đặt ra giả thuyết, nếu NHNN áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt từ năm 2012 thì không xảy ra vụ án đúng không? Lần này đại diện NHNN cho biết, tùy từng thời điểm mới áp dụng các biện pháp…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần