15 năm mở rộng địa giới hành chính

Nhiều cầu to, đường lớn phục vụ người dân

Phương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, hàng loạt dự án giao thông lớn đã được triển khai nhằm kết nối trung tâm. Đến nay, hệ thống giao thông đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII "về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan" gắn với thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đã có bước thay đổi lớn về diện mạo giao thông đô thị. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ kết nối các huyện phía Nam Hà Nội.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ kết nối các huyện phía Nam Hà Nội.

Ngay sau khi sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, hàng loạt dự án giao thông lớn đã được triển khai nhằm kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi như: Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông...

Cùng với đó, nhiều tuyến đường, nút giao thông quan trọng của Hà Nội đã được xây dựng, đưa vào sử dụng thời gian qua như: Vành đai 2, cầu Vĩnh Tuy, Vành đai 3, trục phía Nam Hà Tây, Quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường Vành đai 2,5 và 3,5;

Các công trình cầu vượt tại nút giao thông quan trọng như Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; An Dương - Thanh Niên, đường nối từ Vành đai 3 đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Tản Lĩnh - Ba Vì... Những trục giao thông này đã, đang và sẽ cải thiện hạ tầng giao thông, diện mạo đô thị, tạo thêm lực phát triển cho Thủ đô đặc biệt là tạo điều kiện đi lại thuận lợi nhất cho người dân.

Đến nay, TP Hà Nội đã có 7 tuyến đường cao tốc hướng tâm (tổng cộng 111,32km chạy qua địa bàn), 8 tuyến quốc lộ hướng tâm (244,58km) được hình thành và đưa vào khai thác; hoàn thành 132,26/285,46km của 7 tuyến đường Vành đai; 4 tuyến đường hướng tâm kết nối khu vực đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh (Hồ Tây - Ba Vì, Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, Hà Đông - Xuân Mai) cũng đang được khẩn trương đầu tư.

Trong hệ thống 18 cầu vượt sông Hồng, đến nay đã có 9 cầu hoàn thiện, gồm: Cầu Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Văn Lang, Trung Hà. 6/18 cầu gồm: Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc, Thượng Cát, Trần Hưng Đạo đang hoàn thiện thủ tục để khởi công.

Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, cùng với các tỉnh liên quan, Hà Nội đã khởi công Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là dự án có tính chất liên vùng đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đối với Hà Nội, dự án là cơ sở để thực hiện công tác quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng, tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị; tạo ra trục giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị; tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên). Đồng thời, phân luồng giao thông từ xa, giảm tải áp lực giao thông lên hệ thống đường giao thông hiện có.