Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Thanh nhấn mạnh: Nông nghiệp được coi là trụ đỡ của nền kinh tế thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người nông dân, góp phần ổn định kinh tế xã hội và phát triển đất nước.
Xu hướng phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường đang là hướng đi được nhiều nước trên thế giới lựa chọn. Tại Việt Nam, nhiều địa phương, nhiều mô hình cũng đã và đang trong quá trình chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái theo xu hướng thị trường thế giới cũng như giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt nam phấn đấu đạt phát thải dòng bằng 0 vào năm 2050 và hai cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là cam kết giam gia sáng kiến “giảm phát thải khí metan toàn càu” và cam kết “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.
Bên cạnh đó, tại hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực thực phẩm, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch – trách nhiệm – bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu.
Để hiện thực hóa những cam kết này cũng như thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, chúng ta cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân gồm các doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thwujc hiện ở các quy mô khác nhau, thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng xanh, ít phát thải và bền vững, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các chuỗi giá trị nông nghiệp.
Thủ đô Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế lớn và có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Xác định vai trò của phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong việc đảm bảo an ninh và an toàn lương thực, cùng với việc thực hiện Chương trình 04/Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội đã thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đáng chú ý, Hà Nội đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo từng lĩnh vực cụ thể, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, thông minh, bền vững, xứng tầm Thủ đô.
PGS. TS Mai Văn Trịnh - Viện Môi trường Nông nghiệp cho biết, hiện trạng sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng hiện đang đạt nhiều đỉnh, trong đó có đỉnh về ô nhiễm hóa chất và phát thải. Vì vậy cần ngành nông nghiệp cần phải xanh hóa.
Đưa ra giải pháp để xanh hóa ngành nông nghiệp Thủ đô, PGS.TS Mai Văn Trịnh khuyến nghị, trong quá trình sản xuất cần giảm phát thải khí nhà kính (KNK), giảm tiêu thụ năng lượng, giảm tiêu thu phân bón, thuốc thuốc bảo vệ thực vật… “Khi nông sản xanh, phát thải thấp, sản phẩm từ nông nghiệp sẽ có giá cao hơn, được ưu tiên, vượt hàng rào kỹ thuật xuất khẩu” – PGS.TS Mai Văn Trịnh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng nêu lên thực trạng và chính sách phát triển nông nghiệp xanh, bền vững. Qua đó, đề xuất những giải pháp ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thực hiện mục tiêu kép trong phát triển kinh tế trong giai đoạn mới. Hội thảo cũng là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học chia sẻ về những thành tự khoa học và công nghệ, làm rõ hơn về vai trò và giải pháp nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp thời đại 4.0.