Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/7, tại kỳ họp thứ 13, HĐND TP Hà Nội, khóa XIV đã có 90,22% đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết về một số chính sách thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.

Theo Tờ trình của UBND TP Hà Nội, hiện nay trên địa bàn Thành phố sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ còn ở quy mô nhỏ, phân tán; chưa có các doanh nghiệp, trang trại ứng dụng đồng bộ công nghệ cao; chưa hình thành các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tỷ lệ sử dụng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản công nghệ cao đạt khoảng 30%; diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao mới đạt khoảng 5%; chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao mới đạt 20-25%; diện tích nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao mới đạt 2%. 

Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế nêu trên là do hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp trong các vùng chuyên canh tập trung chưa được đầu tư đồng bộ; nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao còn thiếu; vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đáp ứng yêu cầu... 

Để khắc phục những tồn tại này, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân, tăng cường khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế và khu vực sắp tới và thực hiện mục tiêu của Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 của Chính phủ, việc thực hiện “Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016¬2020” là hết sức cần thiết.

 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt .
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, giải đáp các ý kiến của đại biểu HĐND TP.
Chương trình có tổng vốn đầu tư là 11.284,7 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Thành phố là 970,5 tỷ đồng, nguồn vốn tự có của tổ chức, cá nhân, vốn vay từ Quỹ khuyến nông Thành phố, Quỹ đầu tư phát triển Thành phố, các tổ chức tín dụng là 10.314,2 tỷ đồng

Mục tiêu của Chương trình mà TP Hà Nội hướng tới là có diện tích sản xuất cây trồng ứng dụng công nghệ cao đạt: 1.000ha rau, 500ha hoa, 1.370ha cây ăn quả, 1.000ha chè. Sản lượng nông sản sản xuất ra hàng năm: 100 nghìn tấn rau, 380 triệu cành hoa, 49,7 nghìn tấn quả, 15,6 nghìn tấn chè búp tươi.

Sản xuất chăn nuôi, thủy sản ứng dụng công nghệ cao: Có 3 vùng chăn nuôi gia cầm, 2 vùng chăn nuôi lợn, 3 vùng chăn nuôi bò thịt, 4 vùng chăn nuôi bò sữa, 200 trang trại chăn nuôi gà, 200 trang trại chăn nuôi lợn, 10 trang trại chăn nuôi bò thịt, 10 trang trại chăn nuôi bò sữa, 600ha thủy sản. Hàng năm sản xuất ra 62.700 tấn thịt lợn, 3.200 tấn thịt bò, 4.300 tấn thịt gia cầm, 279 triệu quả trứng, 50.000 tấn sữa bò, sản lượng thủy sản 12.000 tấn.

Cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản ứng dụng công nghệ cao: Có 9 cơ sở sơ chê, bảo quản rau, 5 cơ sở sơ chế, bảo quản hoa, 6 cơ sở chế biến, bảo quản chè, 4 cơ sở giết mổ, chế biến thịt lợn, 1 cơ sở giết mổ, chế biến thịt gà, 1 cơ sở sơ chế, bảo quản thủy sản, 5 cơ sở chế biến thức ăn thô cho bò.

Cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản: 6 cơ sở sản xuất giống cây ừồng, 9 cơ sở sản xuất giống vật nuôi, 5 cơ sở sản xuất giống thủy sản.

Hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Yên Nghĩa, quận Hà Đông); xây dựng 9 mô hình sản xuất giống, 51 mô hình trình diễn sản xuất ứng dụng công nghệ cao, 22 mô hình sơ chế, bảo quản, chế biến; có 3 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Bộ NN&PTNT công nhận.

Chương trình được đưa ra đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu. Qua phần thảo luận cho thấy còn rất nhiều băn khoăn đối với Chương trình. Đại biểu Trần Trọng Dực (tổ Hoàng Mai) kiến nghị chỉ nên thông qua 1 phần của Chương trình đó là cơ chế chính sách cho nông nghiệp công nghệ cao. Thông qua mô hình trình diễn. Ngoài ra, TP nên xem xét hỗ trợ về quỹ đất, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ mô hình trình diễn tiệm cận công nghệ cao 

Đại biểu Nguyễn Huy Việt (tổ Gia Lâm) có ý kiến, TP cần nghiên cứu các chính sách làm sao cho người nông dân là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên của Chương trình. Những sản phẩm có thương hiệu cần được bảo trợ, TP chỉ nên quyết về chủ trương còn những vẫn đề cụ thể nuôi con gì trồng cây gì nên giao cho địa phương. 

Đại  biểu Nguyễn Mạnh Hải (tổ Từ Liêm), kiến nghị TP cần nêu rõ về chủ trương hỗ trợ các hộ gia đình tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cần xây dựng những mối liên kết vùng, tỉnh trong tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội phải là sản phẩm chất lượng cao không thể làm đại trà.

Đại biểu Nguyễn Tùng Lâm (tổ Đống Đa), cần phải xây dựng chính sách cụ thể hỗ trợ Việt kiều, các nhà khoa học làm về nông nghiệp công nghệ cao, ngoài ra có chương trình kêu gọi các hội, các trường đại học, học viện tham gia trực tiếp vào nghiên cứu các đề tài về nông nghiệp chất lượng cao của TP.

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân (tổ Ứng Hòa), UBN TP cần làm rõ căn cứ pháp lý để thực hiện tiêu chí trong Chương trình, có như vậy các tiêu chí mới có tính khả thi khi thực hiện. 

Giải đáp các ý kiến băn khoăn của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt đã có báo cáo làm rõ về cơ chế, chính sách, các tiêu chí trong Chương trình. 

Sau ý kiến đóng góp của các đại biểu, HĐND yêu cầu UBND TP tiếp thu và sớm hoàn thiện và phê duyệt “Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”.

Sau khi thông qua, HĐND giao UBND Thành phố tổ chức triển khai thực hiện. Xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách đảm bảo tính khả thi, cân đối nguồn lực và thứ tự ưu tiên đầu tư, hỗ trợ. Lập dự toán ngân sách hàng năm theo khả năng cân đối ngân sách của Thành phố để thực hiện chính sách.

Thông báo công khai, rộng rãi nội dung chính sách hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục để các tổ chức, các nhân biết, thực hiện; thực hiện phương thức hỗ trợ gắn với cải cách thủ tục hành chính. Tổ chức kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện chính sách với HĐND Thành phố.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.