Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ 1/7

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/7, nhiều chính sách, văn bản mới có liên quan đến đời sống dân sinh như thu hồi, không cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; thay đổi về đăng ký thường trú, tạm trú; được làm căn cước công dân ở nơi tạm trú; tăng trợ cấp cho nhiều đối tượng... chính thực có hiệu lực.

Thu hồi, không cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú

Ngày 1/7, theo Luật Cư trú, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ đã cấp. Các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và bị thu hồi sổ được Bộ Công an hướng dẫn tại Thông tư 55 (cũng có hiệu lực từ 1/7). Tuy nhiên, không phải tất cả sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đều bị thu hồi, mà chỉ khi người dân đi làm các thủ tục nêu trên thì mới bị thu hồi. Những sổ khác, không thuộc trường hợp bị thu hồi, vẫn sử dụng bình thường.

Ngày 1/7, theo Luật Cư trú, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ đã cấp

Ngoài việc thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong nhiều trường hợp, ngày 1/7 cũng là thời điểm bắt đầu không cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Theo đó, khi người dân đi làm thủ tục đăng ký thường trú sẽ không còn được cấp sổ hộ khẩu, làm thủ tục đăng ký tạm trú sẽ không còn được cấp sổ tạm trú. Khi các cuốn sổ này bị mất, bị hư hỏng, rách nát… cũng không còn được cấp lại. Mọi thông tin về cư trú của người dân sẽ được cập nhật và lưu tại Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Thay đổi về đăng ký thường trú, tạm trú

Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1/7 còn thay đổi rất nhiều vấn đề về đăng ký thường trú, tạm trú, liên quan trực tiếp đến đời sống của mỗi người dân. Trước tiên, Luật này cho thấy điều kiện đăng ký thường trú ở 63 tỉnh, thành là như nhau, không phân biệt thành phố trực thuộc T.Ư như trước đây. Từ 1/7, việc nhập hộ khẩu vào các thành phố lớn có phần “cởi mở” hơn so với trước đây, bởi đã xóa bỏ điều kiện “thời gian tạm trú”, chỉ yêu cầu người dân có chỗ ở hợp pháp là có thể làm thủ tục đăng ký thường trú.

Ngoài ra, Luật cũng quy định thêm nhiều trường hợp bị xóa đăng ký thường trú, điển hình nhất là 2 trường hợp: Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên, mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài; bán nhà mà không được chủ nhà mới đồng ý cho giữ lại đăng ký thường trú. 

Được làm căn cước công dân ở nơi tạm trú

Ngày 1/7 là thời điểm có hiệu lực của một số văn bản liên quan đến căn cước công dân (CCCD) gắn chip, cụ thể là Thông tư 59 và Thông tư 60 của Bộ Công an. Thứ nhất, Bộ Công an yêu cầu thu hồi chứng minh nhân cũ (9 số, 12 số) khi người dân làm thủ tục đổi sang CCCD gắn chip. Thứ hai, thời gian tối đa để cấp CCCD cho người dân là 8 ngày làm việc. Thứ ba, mã QR Code trên thẻ CCCD chứa thông tin về số chứng minh nhân dân cũ của người dân. Thứ tư, người dân chính thức được làm CCCD ở nơi tạm trú từ ngày 1/7, thay vì phải về nơi thường trú như trước đây...

Tăng trợ cấp cho nhiều đối tượng

Theo Nghị định 20 của Chính phủ, nhiều khoản trợ cấp cho các đối tượng hưởng bảo trợ xã hội được điều chỉnh tăng vào thời điểm 1/7. Cụ thể gồm: - Trẻ mồ côi dưới 4 tuổi; trẻ nhiễm HIV thuộc hộ nghèo được hưởng trợ cấp 900.000 đồng/tháng, thay cho mức 675.000 đồng/tháng.

- Người từ đủ 60 đến đủ 80 tuổi thuộc hộ nghèo, không có người phụng dưỡng được hưởng trợ cấp 540.000 đồng/tháng, thay cho mức 405.000 đồng/tháng.

- Người khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp 720.000 đồng/tháng, thay cho mức 540.000 đồng/tháng; người khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp 540.000 đồng/tháng, thay cho mức 405.000 đồng/tháng…

- Trợ cấp mai táng người chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn; tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác tối thiểu là 18 triệu đồng (trước đây chỉ là 5,4 triệu đồng), với trường hợp gia đình tổ chức mai táng…

- Hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác cho hộ dân phải di dời khẩn cấp tối thiểu là 30 triệu đồng/hộ, trước đây tối đa là 20 triệu đồng/hộ…

Nhiều thay đổi về chính sách ưu đãi với người có công

Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 về ưu đãi người có công chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, thay thế cho Pháp lệnh năm 2005. Theo Pháp lệnh này, thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh được Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, bao gồm nhà xưởng, trường, lớp, trang thiết bị, được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, miễn hoặc giảm thuế đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đây là một chế độ mới mà trước đây chưa quy định cho các đối tượng người có công này.

Với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, mức trợ cấp hằng tháng cũng được tăng từ ngày 1/7, cụ thể là bằng 3 lần mức chuẩn (tức 4.872.000 đồng/tháng), thay vì 1 lần mức chuẩn như quy định trước đây.

Riêng với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá nhưng vẫn nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha, mẹ đẻ của liệt sĩ khi còn sống, sẽ được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và được hỗ trợ về bảo hiểm y tế.