Nhiều chính sách tài chính hỗ trợ DN vượt khó

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong kiến nghị cử tri gửi đến Bộ Tài chính, cử tri Hải Phòng cho rằng, phần lớn DN ở Hải Phòng là DN nhỏ và vừa (DNNVV), hoạt động trong các lĩnh vực đóng tàu, sản xuất xi măng, dịch vụ cảng biển có tốc độ tăng trưởng thấp. Do đó, cần có chính sách phù hợp, tạo điều kiện về vốn, tiền thuê đất, mặt bằng, tiền thuế để DN phục hồi sản xuất.

Chính sách thuế hỗ trợ trong thời gian dài

Theo Bộ Tài chính, trong những năm qua, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, nền kinh tế nước ta và cộng đồng DN cả nước nói chung (trong đó có các DN nhỏ và vừa, một số ngành công nghiệp mũi nhọn) phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về vốn và thị trường.
DNNVV là đối tượng cần được hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh Internet.
DNNVV là đối tượng cần được hỗ trợ của Nhà nước. 
Để kịp thời hỗ trợ và giúp DN ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường đã được thực hiện từ năm 2008 đến nay.
Từ năm 2008-2009, thực hiện giảm 30% và giãn số thuế thu nhập DN phải nộp của một số quý của năm 2008 và cả năm 2009 cho DN nhỏ và vừa, giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT đối với một số hàng hóa, dịch vụ...
Liên tiếp trong các năm, từ  2010 đến 2014 đã thực hiện giảm và giãn số thuế thu nhập DN cho các DN nhỏ và vừa, giãn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN; miễn giảm thuế khoán và thuế TNDN đối với một số tổ chức kinh doanh.
Thuế TNDN đã giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống 22% từ 1-1-2014, các DN có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20% từ 1-7-2013 đồng thời quy định lộ trình áp dụng thuế suất 20% từ 1-1-2016.
So với các nước trên thế giới và trong khu vực, các mức thuế suất nêu trên là khá thấp và đảm bảo tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Theo Bộ Tài chính, cùng với các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hệ thống chính sách thuế những năm qua cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích và thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng.

Trong số các chính sách khuyến khích về thuế đã được thực hiện, có giải pháp chính sách ưu đãi thuế có hiệu lực sớm hơn 6 tháng so với hiệu lực chung của Luật (áp dụng ngay từ ngày 1-7-2013) là quy định DN có quy mô nhỏ và vừa áp dụng thuế suất 20%.

Theo tổng kết của Bộ Tài chính, các chính sách khuyến khích của Luật thuế TNDN được thực thi góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho DN khoảng hơn 1.500 tỷ đồng trong năm 2013 và khoảng 22.000 tỷ đồng trong năm 2014, tạo điều kiện để DN tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Không chỉ có các giải pháp về thuế TNDN, một số chính sách thuế GTGT, thuế TNCN, hỗ trợ tín dụng, chính sách tài chính đối với đất đai… đã được sửa đổi, góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN.

Về thuế XNK, những năm qua luôn được điều hành và thực hiện theo nguyên tắc bảo hộ hợp lý, có thời hạn đối với sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của DN trong nước trên cơ sở phù hợp với thông lệ quốc tế; khuyến khích sản xuất sản phẩm xuất khẩu; đảm bảo thực hiện lộ trình điều chỉnh thuế theo cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

Huy động thuế, phí ở mức hợp lý

Tình hình hoạt động của DN tính đến 20-5-2015 theo cập nhật của Bộ Tài chính qua đăng ký thuế như sau: Số lượng DN đang hoạt động toàn quốc hiện có 506.053 DN, tăng 23.438 DN (4,85%) so với thời điểm 31-12-2014.  Số DN thành lập mới có 34.563 DN, bằng 45% số DN thành lập mới cả năm 2014.

Số DN ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh là 20.425 DN (bằng 25% số DN ngừng hoạt động cả năm 2014). Số DN tạm nghỉ sản xuất kinh doanh là 18.510 DN, giảm 535 DN (2,8%) so với thời điểm 31-12-2014.

Trong thời gian tới, trả lời cử tri Hải Phòng, Bộ Tài chính cho biết, sẽ xây dựng chính sách huy động từ thuế, phí, lệ phí hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, hải quan, tiếp tục giảm các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian nộp thuế.

Về chính sách tài chính đối với đất đai, sẽ ổn định chi phí về đất một cách hợp lý, tạo điều kiện khuyến khích đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả; Xử lý hài hòa, công bằng giữa các đối tượng được nhà nước giao đất, cho thuê đất trong quá trình thay đổi, chuyển tiếp chính sách pháp luật đất đai.

Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với các DN, đặc biệt là các DN  sản xuất, phục vụ xuất khẩu. Xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ Phát triển DNNVV để Quỹ sớm đi vào hoạt động, đảm bảo thực hiện mục tiêu hỗ trợ DN.

Bộ Tài chính khẳng định, với những chính sách, giải pháp nêu trên, Chính phủ đã và đang tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các DN cả nước nói chung và các DNNVV một số ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố Hải Phòng nói riêng trong lĩnh vực như đóng tàu, sản xuất xi măng, dịch vụ cảng biển để ổn định sản xuất và ngày càng phát triển./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần