Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều chính sách ưu đãi thu hút người lao động trở lại sau tết

Việt Hùng
Chia sẻ Zalo

Nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, đón lượng lớn công nhân trở lại làm việc trong những ngày đầu xuân.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) TP Hồ Chí Minh, trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết, tính chung tất cả các lĩnh vực ngành nghề, tỉ lệ người lao động trở lại làm việc đạt 94% so với thời điểm trước Tết. 

Kiểm tra sức khỏe cho công nhân khi trở lại làm việc tại KCN (ảnh Việt Hùng)
Kiểm tra sức khỏe cho công nhân khi trở lại làm việc tại KCN (ảnh Việt Hùng)

Tại Bình Dương, Liên đoàn Lao động Bình Dương cho biết, có trên 90% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ tết với tỷ lệ công nhân quay lại làm việc đạt trên 85%. Trong đó, các doanh nghiệp dệt may nằm ngoài KCN có hơn 80%, trong KCN VSIP có khoảng 85% và các KCN Bình Dương có khoảng 87% lao động trở lại làm việc.

Theo ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ-TBXH TP Hồ Chí Minh, người lao động quay trở lại làm việc đạt tỉ lệ cao là tín hiệu tốt và đạt được điều này là do các công ty, doanh nghiệp đã công khai, minh bạch chế độ lương, thưởng để giữ chân người lao động

Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ, chăm sóc tốt để thu hút người lao động.

Theo Liên đoàn Lao động Bình Dương, trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, có trên 500.000 công nhân lao động ở lại Bình Dương đón Tết, trong đó có gần 24.000 công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. UBND tỉnh Bình Dương đã chi gần 12 tỉ đồng để tặng quà tết cho công nhân và các cấp công đoàn hỗ trợ trên 191,7 tỉ đồng tặng quà cho công nhân ở lại đón Tết.

Theo thống kê, Bình Dương có 112 doanh nghiệp hoạt động xuyên Tết với 12.460 công nhân. Mặc dù khó khăn vì dịch Covid-19 trong năm 2021 nhưng đa số các doanh nghiệp đều giữ mức thưởng tết cho công nhân bằng 1 tháng lương theo hợp đồng lao động. Các doanh nghiệp cũng đã trả đủ lương tháng 12/2021 và tạm ứng từ 50 - 100% lương tháng 1/2022 cho công nhân.

Sau Tết Nguyên đán nhiều công nhân đã trở lại làm việc tại các KCN (ảnh Việt Hùng)
Sau Tết Nguyên đán nhiều công nhân đã trở lại làm việc tại các KCN (ảnh Việt Hùng)

Tại Đồng Nai, theo báo cáo của Sở LĐ-TBXH, tỉnh hiện có hơn 1,2 triệu lao động, trong đó có khoảng 700.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp  trong và ngoài khu công nghiệp (KCN), 50% trong số đó là công nhân lao động nhập cư. Tính đến ngày 8/2, tỷ lệ công nhân trở lại làm việc ở Đồng Nai đạt hơn 95%.

Theo Sở LĐ-TBXH Đồng Nai, để người lao động an tâm quay lại làm việc, Đồng Nai sẽ ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho những người chưa tiêm mũi 1 và tiêm phủ mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1. Những công nhân trước đây về quê sớm, chưa được nhận gói hỗ trợ nhà trọ (300.000 đồng/người/lần) của tỉnh thì được truy lĩnh. Về lâu dài, Sở LĐ-TBXH đang kiến nghị UBND tỉnh các giải pháp như xây dựng nhà ở xã hội để ổn định đời sống của người lao động, nhất là lao động nhập cư.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành quyết định phê duyệt nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, trong đó dành gần 500.000m2 diện tích sàn để xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động. Bên cạnh đó, sẽ triển khai đề án đầu tư xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao phục vụ công nhân trong các KCN.

Tại Bình Thuận, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cho biết, tính đến ngày 8/2 đã có khoảng 50% doanh nghiệp với hơn 5.000 công nhân quay trở lại làm việc trong các nhà máy, KCN. Dự kiến đến ngày 10/2, sẽ có 100% doanh. Nghiệp quay lại hoạt động sau tết với số công nhân khoảng 11.800 người.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Thuận, trong dịp Tết Nguyên đán, công nhân được chăm lo tết chu đáo.

Hiện nay công nhân đã được tiêm vaccine mũi 2 đạt 100%, có khoảng 48% công nhân đã tiêm mũi 3. Số còn lại tỉnh sẽ ưu tiên tiêm phủ mũi 3 trong tháng 2 này. Bình Thuận có hơn 11.800 công nhân lao động, chủ yếu ở các công ty dệt may và trong các doanh nghiệp tại KCN Hàm Kiệm 1.