Nhiều chuyển biến tích cực trong đăng ký kinh doanh tại Hà Nội

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, luôn được TP Hà Nội quan tâm triển khai thường xuyên.

Trong đó, việc thực hiện đăng ký DN (ĐKDN) theo Luật DN và Luật Đầu tư mới tại Sở KH&ĐT sau một năm triển khai đã có nhiều chuyển biến, tạo điều kiện cho DN gia nhập thị trường, nâng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho Hà Nội.

Hiệu quả từ chỉ đạo, điều hành cụ thể

Khi triển khai thực hiện 2 Luật nêu trên, UBND TP Hà Nội đã ban hành các kế hoạch tổ chức bằng việc phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi đơn vị và có sự chỉ đạo sâu sát, thường xuyên. Vì thế, công tác ĐKDN đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ngay từ cuối năm 2014, UBND TP đã chấp thuận phương án phối hợp giữa cơ quan ĐKKD và cơ quan thuế để là địa phương đầu tiên thực hiện việc giảm thời gian đăng ký thành lập DN từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc ngay từ 1/1/2015 (thực hiện trước thời điểm Luật DN 2014 có hiệu lực 6 tháng - giảm 40% thời gian theo quy định). Đây chính là bước đệm cơ bản để cơ quan ĐKKD TP triển khai thực hiện khi Luật DN chính thức có hiệu lực.
Tra cứu thông tin về đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Tra cứu thông tin về đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Là cơ quan trực tiếp thực hiện việc làm thủ tục ĐKDN, ngày 1/7/2015, Sở KH&ĐT đã quyết định thành lập 2 tổ công tác triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để báo cáo, đề xuất kịp thời tháo gỡ. Đặc biệt, công tác ĐKDN trực tuyến cũng được Sở quan tâm khi phê duyệt phương án “Đẩy mạnh công tác ĐKDN qua mạng điện tử tại Sở KH&ĐT Hà Nội” tại Quyết định số 33/QĐ-KH&ĐT ngày 19/2/2016, với mục tiêu: Nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ tổ chức, công dân. Tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức trong quá trình giao dịch các thủ tục đăng ký DN. Phấn đấu thực hiện giải quyết hồ sơ đăng ký DN qua mạng chiếm khoảng 30 - 40% tổng số hồ sơ đăng ký... Cùng với đó là những phương án triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt như: Xây dựng quy trình thực hiện đăng ký DN qua mạng điện tử; Khuyến khích các đơn vị tư vấn tham gia; Chỉ đạo quyết liệt việc xử lý hồ sơ đăng ký qua mạng điện tử; Tổng hợp kịp thời kiến nghị với Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) để hoàn thiện phần mềm đăng ký DN qua mạng ngày càng thuận tiện, thân thiện hơn…

Tiếp tục hoàn thiện
Số DN đăng ký thành lập mới trên địa bàn TP từ đầu năm đến nay là 10.832 DN, tăng 24% so cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 92,5 nghìn tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ.

Đánh giá sau một năm thực hiện Luật DN 2014, công tác ĐKDN nhìn chung đã tạo được thuận lợi bước đầu cho các DN, thủ tục hành chính khá thông thoáng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để tạo điều kiện hơn cho DN, Sở KH&ĐT xác định nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận ĐKDN theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính đạt từ 99% đúng hạn. Đồng thời, tích cực, chủ động xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách: Sửa đổi Quy chế quản lý DN hoạt động theo Luật DN và hộ kinh doanh trên địa bàn TP; Hoàn thiện sửa đổi Quy trình giải quyết các thủ tục hành chính về ĐKDN; xây dựng quy trình hướng dẫn DN về giải thể DN, quy trình thu hồi Giấy chứng nhận ĐKDN…

Song song với đó, Sở KH&ĐT tiếp tục xây dựng cơ quan ĐKKD của TP đảm bảo đủ điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ, làm tốt vai trò cung cấp các thông tin pháp lý về DN tới các cá nhân và tổ chức có nhu cầu chính xác nhất; Xem xét lại mô hình cơ quan ĐKDN với mục đích xây dựng được bộ máy có đầy đủ thẩm quyền, năng lực, nguồn lực để chủ động hoàn thành chức năng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Với đội ngũ trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, kỹ năng thực thi công vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho đội ngũ cán bộ công chức cũng là một trong những nhiệm vụ được quan tâm. Bên cạnh đó, sau một năm triển khai, UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành đã quan tâm tăng cường công tác hậu kiểm, nhắc nhở các DN đang hoạt động chấp hành nghiêm túc và đầy đủ các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh.

Những phát sinh sau một năm thực hiện ĐKDN theo Luật mới cũng đang được Sở KH&ĐT Hà Nội kiến nghị Bộ KH&ĐT tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng, đặc biệt là việc bổ sung chức năng cho Hệ thống thông tin ĐKDN quốc gia (NBRS) góp phần hỗ trợ tích cực cho các cơ quan nhà nước và tổ chức, công dân…