Nhiều chính sách ưu đãi
Lào là quốc gia đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 237 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,34 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc và Thái Lan).
Theo Đại sứ Nguyễn Phú Bình - Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, sau 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, thương mại – đầu tư giữa hai nước không ngừng phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Việt Nam luôn nằm trong nhóm 3 nhà đầu tư hàng đầu tại Lào trong những năm qua, kim ngạch thương mại hai nước ngày càng tăng hàng năm. Cụ thể năm 2021 đạt 1,37 tỷ USD tăng 33,32% so với năm 2020, và cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Công ty CP Thành Thành Công (TTC Sugar) là một trong những tập đoàn lớn đầu tư thành công ở thị trường Lào. Sau 5 năm đầu tư, từ diện tích ban đầu là 79,2ha, hiện công ty đã mở rộng vùng nguyên liệu lên 12.000 ha và mục tiêu năm 2025 là lên 20.000 ha.
Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Thành Công Nguyễn Thanh Ngữ cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn về khoảng cách địa lý, văn hóa, phong tục… tuy nhiên, sau một năm, công ty đã định vị lại chiến lược đầu tư với việc phát triển sản phẩm mía đường organic để khắc phục bất lợi khó đạt năng suất cao; tập trung tạo ra sản phẩm cao cấp nhằm tiếp cận thị trường châu Âu.
“Đến hiện tại, chúng tôi nhận thấy đầu tư tại Lào là bước đi chiến lược đúng đắn của TTC Sugar. Chúng tôi đã dần quen với môi trường đầu tư tại đây và tự tin phát triển mở rộng hơn nữa với chính sách tạo điều kiện từ hai Chính phủ” - ông Nguyễn Thanh Ngữ chia sẻ.
Chia sẻ về chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư vào Lào, Tham tán Kinh tế - Thương mại, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam Sonechan Phoutthavong cho biết, chính phủ Lào có chính sách xúc tiến đầu tư trong và nước ngoài dựa theo Luật Xúc tiến đầu tư năm 2016 và văn bản luật liên quan khác của Lào trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Các chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và nước ngoài đến đầu tư tại Lào gồm Chính sách xúc tiến đầu tư theo ngành với 9 ngành xúc tiến, trong đó có chính sách khuyến khích đầu tư về thuế quan, sử dụng đất…
Mối quan hệ hợp tác thương mại giữa Lào - Việt Nam là hợp tác đặc biệt và có truyền thống từ lâu đời, kể từ lãnh đạo cấp cao nhà nước đến các cấp bộ, ngành. Hai bên ký Hiệp định Thương mại song phương và Thương mại biên giới từ năm 2015. Lào luôn tăng cường xúc tiến và phát triển thương mại biên giới và dịch vụ thương mại kết nối với logistics quá cảnh với Việt Nam.
Tháng 4/2022, hai Bộ Công Thương Lào - Việt Nam đã hoàn thành tổ chức Hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới lần thứ 12 tại Viêng Chăn. Qua đó khẳng định hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra các chính sách ưu đãi hơn nữa để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực kinh tế, sản xuất và thương mại biên giới Lào - Việt Nam; cùng nhau nghiên cứu, sửa đổi Hiệp định đã có, đặc biệt là Hiệp định thương mại song phương; Hiệp định thương mại biên giới Lào - Việt Nam và Quyết định Hà Nội năm 2007 về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện và hàng hóa cho phù hợp với thực tế; tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường lẫn nhau.
Ngoài ra, hai nước đã phối hợp thực hiện ưu đãi thuế nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ hai nước cũng như danh mục hàng hóa được miễn thuế 0%, thể hiện kim ngạch thương mại giữa Lào - Việt Nam có sự tăng trưởng khá.
Dư địa khai thác lớn
Ông Đỗ Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương nhận định, Lào hiện nay là đối tác thương mại đứng thứ 7 của Việt Nam trong khối ASEAN (kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ cao hơn kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Myamar; Việt Nam và Brunei). Quy mô thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Lào không ngừng được mở rộng trong các năm qua.
Trong các năm qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các bộ ngành đối tác phía Lào, đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thương mại giữa hai nước. Hai bên đã hoàn tất việc đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào (năm 2015); Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào ký năm 2015.
Lào là thị trường tiềm năng với dân số ổn định, trẻ (50% dưới 25 tuổi và 60% dưới 35 tuổi); GDP tăng trưởng tốt; thu nhập khả dụng tăng, tầng lớp trung lưu đang mở rộng; Chính phủ Lào cũng đặt mục tiêu trở thành “cục pin Đông Nam Á” thông qua các hoạt động khai thác các nguồn năng.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 – 5/9/2017), và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (18/7/1977 – 18/7/2017), ngày 31/8/2022, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Tạp chí Mekong ASEAN và Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu – trao đổi “Nâng tầm hợp tác, thúc đẩy hoạt động thương mại - đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Lào”.
Với tiềm năng như vậy, dư địa để các DN Việt Nam khai thác tiềm năng của phân khúc thị trường này còn rất lớn. Điều quan trọng là DN cần chủ động tận dụng được các cơ hội từ thị trường, xây dựng chiến lược tuyên truyền quảng bá để nhanh chóng thâm nhập, khẳng định thương hiệu tại thị trường Lào.
Để khai thác tốt thị trường Lào, theo ông Đỗ Quốc Hưng, thời gian tới, các DN Việt Nam cần quan tâm, gia tăng xuất khẩu mặt hàng sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ, các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thức ăn gia súc để tận dụng được làn sóng đầu tư vào thị trường Lào. Ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu mạnh từ Lào về Việt Nam gỗ và sản phẩm gỗ, than, khoáng sản… Đây chính là nguồn nguyên vật liệu chiến lược cho sản xuất công nghiệp - năng lượng của Việt Nam.
Đứng ở góc độ DN, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong thời gian tới, VCCI sẽ triển khai các dự án nghiên cứu về những khó khăn thách thức còn tồn tại này. Đồng thời, sẽ triển khai vấn đề dạy nghề nâng cao tay nghề cho lao động và đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của nước bạn Lào, để đẩy mạnh hơn nữa các dự án hợp tác đầu tư.