Nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập ''lục địa đen''

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với quy mô dân số lớn, nhu cầu tiêu dùng cao, châu Phi được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho hàng Việt Nam. Nhưng để khai thác được thị trường này đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động khảo sát thị trường, đối tác, hạn chế bị lừa đảo.

Thị trường rộng lớn

Theo đại diện vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với tất cả các quốc gia châu Phi. Trong năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này với trị giá trên 5,2 tỷ USD. Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi Đỗ Phương Dung cho hay, từ năm 2017 đến hết năm 2021 Việt Nam gần như xuất siêu tuyệt đối sang thị trường châu Phi. Trong đó, Nam Phi là thị trường xuất khẩu chính với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 835 triệu USD, tiếp đến là Ai Cập, Gana, Bờ Biển Ngà…

Giới thiệu hàng Việt tại Hội chợ Thương mại quốc tế Nam phần châu Phi
Giới thiệu hàng Việt tại Hội chợ Thương mại quốc tế Nam phần châu Phi

Mặt hàng gạo chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 54 nước châu Phi với dân số 1,3 tỷ người. Không chỉ mặt hàng gạo, châu Phi cũng có nhu cầu lớn về mặt hàng cà phê và hạt tiêu. Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria Hoàng Đức Nhuận, hiện Việt Nam là 1 trong 5 nước cung ứng cà phê chủ lực cho châu Phi, riêng thị trường Algeria cà phê Việt Nam luôn chiếm 50% thị phần.

Ngoài xuất khẩu thô, một số thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam như Trung Nguyên, King Coffee cũng được quan tâm nhiều nước châu Phi. Ngoài cà phê, hạt tiêu, những mặt hàng vật liệu xây dựng, vải, sợi, giày dép chất lượng cao, giá rẻ cũng đã được người tiêu dùng địa phương tiêu thụ.

 

Nhằm quảng bá, giới thệu sản phẩm Việt tới thị trường châu Phi, Sở Công Thương và một số doanh nghiệp của Hà Nội đã tổ chức giới thiệu sản phẩm điện máy, lụa tơ tằm, gốm sứ, đồ vệ sinh, sản phẩm bánh kẹo, sản phẩm đồ uống tại Hội chợ Thương mại quốc tế Nam phần châu Phi. Đặc biệt, sản phẩm cà phê túi lọc của HTX Trường Sơn lần đầu tiên được giới thiệu ra thị trường quốc tế rất được khách hàng hoan nghênh.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan 

 

Tại buổi tư vấn xuất khẩu sang thị trường Nigeria do Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại Nigeria tổ chức, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nigeria Trần Hùng Cường cho biết: "Các nước châu Phi không quá khắt khe về chất lượng đối với mặt hàng nhập khẩu, nên mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Phi ngày càng đa dạng. Bên cạnh các mặt hàng như nông sản, dệt may, da giày đã có thêm những mặt hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động, máy móc...

“Những mặt hàng này đều được người tiêu dùng, doanh nghiệp nước sở tại tín nhiệm nên cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới  rất cao” - ông Trần Hùng Cường thông tin.

Cần thận kẻo bị lừa

Dù tiềm năng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường châu Phi rất lớn nhưng các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, doanh nghiệp cần thận trọng trong hoạt động giao thương tại thị trường này bởi tình trạng lừa đảo trong giao dịch ở các nước châu Phi khá phổ biến.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nigeria Trần Hùng Cường, hình thức lừa đảo trong đấu thầu và xuất nhập khẩu hàng hoá của các đối tượng châu Phi khá đa dạng. Đáng chú ý, đối tượng lừa đảo thường ký hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp Việt Nam theo cách thực hiện 1 - 2 hợp đồng đầu tiên đúng thời hạn, chất lượng sản phẩm tốt qua đó tạo ra sự tin tưởng.

Nhưng từ hợp đồng thứ ba, đối tượng yêu cầu doanh nghiệp chuyển tiền đặt cọc từ 30 - 50% trị giá hợp đồng, chiếm đoạt số tiền này và không giao hàng. Hoặc đối tượng chào bán hàng cho doanh nghiệp Việt Nam với giá thấp và yêu cầu phải đặt cọc… Sau khi nhận được tiền từ phía doanh nghiệp Việt Nam, đối tượng sẽ đóng website và bỏ trốn.

Giới thiệu hàng Việt tại Diễn đàn AFIC lần thứ 7 (2021) tổ chức tại Algiers
Giới thiệu hàng Việt tại Diễn đàn AFIC lần thứ 7 (2021) tổ chức tại Algiers
 

Nhiều nước châu Phi đang thu hút đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài nên chính sách thông thoáng. Đây là những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hợp tác kinh doanh với thị trường này. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế khi xuất khẩu, do mối quan hệ truyền thống tốt đẹp nên người châu Phi ưu ái sử dụng hàng Việt.

Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á - châu Phi Lê Hoàng Anh

Để khắc phục, các chuyên gia khuyến nghị, với những đối tác chủ động liên hệ qua website, doanh nghiệp Việt Nam cần sàng lọc, đề nghị họ cung cấp giấy phép kinh doanh, hộ chiếu hoặc thẻ căn cước có ảnh… Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi Đỗ Quốc Hưng khuyến cáo, doanh nghiệp khi giao dịch tại khu vực châu Phi cần thẩm tra, xác minh kỹ đối tác để tránh rủi ro khi ký hợp đồng xuất, nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng nên áp dụng hình thức thanh toán thư tín dụng không hủy ngang, thanh toán ngay (L/C) trước khi thực hiện hợp tác, ký kết hợp đồng.

Đối với các đơn hàng xuất khẩu lần đầu, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên yêu cầu đối tác nhập khẩu đặt cọc 30 - 50% giá trị đơn hàng, đồng thời không chuyển tiền khi đối tác đề nghị trả phí môi giới, phí luật sư...

Đồng tình với khuyến cáo này, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Duy Hưng nêu rõ, để đảm bảo chất lượng hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam, doanh nghiệp cần tiến hành kiểm định hàng hóa tại nước sở tại trước khi đưa hàng lên tàu, hoặc thuê các công ty kiểm định có uy tín kiểm định qua đó hạn chế việc bị đối tác lừa bán hàng kém chất lượng giá cao. Trong giai đoạn đầu nên sang trực tiếp để gặp gỡ nhà cung cấp, giám sát việc thu mua và chất hàng lên tàu.

“Để tránh tình trạng lừa đảo trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa tại thị trường châu Phi, doanh nghiệp nên liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại thị trường khu vực này để tìm kiếm, xác minh đối tác, tránh những rủi ro bị lừa đảo thương mại” - ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần