Nhiều cơ hội lựa chọn cho thí sinh
Tín hiệu mừng của kỳ tuyển sinh năm nay là phổ điểm ĐH tương đối ổn định. Theo Bộ GD&ĐT, đó là thành công trong ra đề, bám sát chương trình và phù hợp mặt bằng kiến thức chung của thí sinh (TS). Điều này tạo thuận lợi cho các trường về nguồn tuyển đầu vào. TS đạt mức điểm sàn hoặc cao hơn sẽ có nhiều sự lựa chọn, giảm tình trạng "trượt oan" vì điểm cao nhưng sai lầm trong chọn trường.
Không chỉ lãnh đạo nhiều trường ĐH công lập, mà cả ngoài công lập đều tán thành mức điểm sàn trên. Ông Ngô Xuân Hà, Phó Hiệu trưởng ĐH Công nghệ Thành Đô, thành viên Hội đồng điểm sàn cho biết: "Phương án điểm sàn Bộ đưa ra rất hợp lý, mức điểm sàn ĐH phải đạt ngưỡng như vậy, không thể thấp hơn. Mặc dù hàng năm, trường chúng tôi không tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng chấp nhận để đảm bảo chất lượng đầu vào".
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, ở các năm trước, do cơ chế "cứng" xét tuyển theo NV1, 2, 3, TS chỉ có thể xét tuyển ở 2 nơi nhưng xác suất trượt khá cao. Năm nay, Bộ chủ trương cho các trường xét tuyển nhiều đợt, TS đăng ký nhiều NV và không giới hạn số NV, không quy định điểm trúng tuyển của đợt sau phải cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước. Cơ chế mềm dẻo như vậy nhằm đảm bảo TS không bị "trượt oan" do sai lầm trong khâu tìm hiểu, nộp đơn xét tuyển các trường khác. Với mức điểm sàn như năm nay, hệ số dư và số dịch chuyển giữa các trường dư dôi vì tuyển cao hơn điểm sàn và trường tuyển thiếu so với chỉ tiêu cao hơn năm ngoái. Tỷ lệ này ở khối A là 1,8 lần; khối B là trên 10 lần; C và D là trên 2,5 lần. Hiệu ứng tạo ra hệ số dịch chuyển giữa các trường, giữa các vùng miền khá lớn, tạo cơ hội cho các trường có thêm nguồn tuyển, TS có thêm cơ hội vào ĐH.
Khắc phục nơi thiếu, nơi thừa…
Theo cách xét tuyển năm nay, hầu hết các vùng miền có thể tự cân đối hệ số TS dư và thiếu trên khu vực đó. Ví dụ, khu vực Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, miền Trung… những TS không trúng tuyển NV1 có thể "lấp đầy" vào các chỉ tiêu NV ở các vùng này. Riêng vùng miền núi phía Bắc, vẫn cần sự dịch chuyển TS từ các vùng lân cận như Đồng bằng sông Hồng, Thái Nguyên. Nếu TS đủ điểm sàn, quyết tâm học, chắc chắn sẽ tìm được trường phù hợp. Thứ trưởng Ga cho biết, hiện các trường ngoài công lập có 3 thành viên, đều nhất trí với phương án điểm sàn. Với hệ số dịch chuyển lớn như năm nay, các trường sẽ không khó trong việc tuyển đủ chỉ tiêu.
Song, điều đáng nói là chỉ những trường thuộc top trên, top giữa mới cải thiện được tình trạng thiếu hụt TS ở những ngành đặc thù. Còn phần lớn những trường top dưới vẫn rơi vào tình trạng tỷ lệ TS đạt điểm sàn rất thấp. Cụ thể, ĐH Tài nguyên và Môi trường, ĐH Xây dựng Miền Tây, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Trà Vinh, ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) đang đứng trước nguy cơ thiếu trầm trọng TS. Bởi vậy, với cách đổi mới tuyển sinh của Bộ năm nay, những trường không đảm bảo chất lượng đào tạo, sẽ dần có xu hướng bị đào thải. TS ngày càng có xu hướng chọn lựa đúng đắn hơn, đồng nghĩa với việc các trường ĐH sẽ sớm tụt hậu nếu không tự điều chỉnh, đổi mới.
Trước thông tin cho rằng cách chấm thi ĐH đã được nới lỏng nhằm tạo kết quả thi cao, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, thành công năm nay chính từ cách ra đề hay, hiệu quả. Cụ thể, khối C phổ điểm rất tốt, điều đó khẳng định, hiệu quả từ những cải cách trong khâu ra đề thi ĐH, vừa đảm bảo chất lượng kiến thức, vừa phát huy tính bình luận và thể hiện được chính kiến cá nhân. Đó là bước đi đúng hướng trong việc giảng dạy các môn xã hội nhân văn. |