Nhiều cơ hội xuất khẩu lao động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh những thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia… nhiều thị trường khác cũng đang “rộng cửa” cho lao động Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội cho hàng vạn người lao động có tay nghề “đổi đời”.

Thị trường "rộng cửa"

Thông tin từ Bộ LĐTB&XH cho thấy, từ đầu năm đến nay, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang dần được mở rộng. Trong đó, thị trường khu vực Trung Đông đang có dấu hiệu phục hồi. Riêng đối với các nước ở khu vực châu Phi và Trung Đông, Việt Nam sẽ ký kết thỏa thuận cấp Bộ trong một số lĩnh vực với Angola và Arab Saudi để tạo điều kiện phát triển việc làm an toàn cho lao động Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục có thêm cơ hội tăng số lượng cung ứng lao động trong ngành sản xuất cho thị trường Đài Loan (Trung Quốc) khi thị trường này đã có một số chính sách mới liên quan đến lao động nước ngoài.

 
Một nhóm lao động Việt Nam trên đường sang Hàn Quốc làm việc.­­­
Một nhóm lao động Việt Nam trên đường sang Hàn Quốc làm việc.­­­
Thị trường lao động Hàn Quốc cũng có nhiều kỳ vọng mới. Theo Bộ LĐTB&XH, việc Bộ ký kết bản ghi nhớ đặc biệt với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã đem lại niềm vui cho gần 14.000 lao động. Theo đó, 3 loại đối tượng được phía Hàn Quốc cho phép giới thiệu cho chủ sử dụng lao động gồm: Lao động đã đỗ các kỳ thi tiếng Hàn tháng 12/2011, tháng 5/2012 và tháng 8/2012; lao động huyện nghèo sang Hàn Quốc làm nông nghiệp đã đăng ký kiểm tra tiếng Hàn tháng 8/2012 và lao động về nước đúng hạn. Riêng với hơn 2.700 lao động thuộc huyện nghèo đã đăng ký thi tiếng Hàn để đi Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, sẽ được hỗ trợ để học lại tiếng Hàn theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang xúc tiến ký thỏa thuận hợp tác lao động với Đức, Thái Lan, Nhật Bản. Hiện Đức và Nhật Bản đang tiếp tục triển khai tuyển dụng điều dưỡng viên sang hai nước này làm việc.

Tránh rủi ro

Để hạn chế rủi ro cho cả doanh nghiệp và người lao động cũng như nâng cao chất lượng XKLĐ, Luật Lao động sửa đổi đã có hiệu lực với nhiều quy định mới, khắt khe hơn. Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), các doanh nghiệp tuyển dụng Việt Nam sẽ không còn có thể áp đặt các điều kiện trong hợp đồng mà phải tuân thủ những điều kiện tiêu chuẩn. Hợp đồng mẫu yêu cầu phải đề cập tới một công việc cụ thể, tên tuổi và địa chỉ của công ty tiếp nhận, thiết lập rõ ràng trách nhiệm của tất cả các bên và thủ tục giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ lao động di cư trong trường hợp chấm dứt hợp đồng. Quyền lợi của người lao động cũng sẽ được đảm bảo khi những điều kiện làm việc cơ bản được nêu đầy đủ trong hợp đồng lao động. Như vậy, số lượng xuất khẩu lao động không những tiếp tục tăng mà chất lượng sẽ còn được cải thiện. Hiện, nhiều doanh nghiệp nước bạn thực hiện chế độ khoán nên lao động có thể phát huy được tối đa năng suất. Nhiều doanh nghiệp lại có thêm cơ chế mở về giờ làm thêm giúp cho lao động có thêm thu nhập.

Cũng theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong thời gian tới, bên cạnh nghiên cứu phát triển các thị trường mới ở châu Âu, củng cố các thị trường truyền thống, ngành chức năng kiên quyết xử lý các vi phạm của cá nhân và doanh nghiệp để chấn chỉnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm hạn chế nạn cò mồi, lừa đảo, và giảm chi phí cho người lao động. Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ đào tạo lao động xuất khẩu từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề, từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.­­­

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần