Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều công trình an toàn đường sắt còn bất cập do thiếu vốn sửa chữa

Huyền Sâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2014, thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ đường sắt (Kế hoạch 994), gần 1.000 đường ngang đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, nhưng do thiếu vốn, hiện vẫn còn 3.279 lối đi tự mở và một số đường ngang tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Cần 400 tỷ bổ sung tín hiệu

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Trần Anh Tuấn, từ năm 2015 - 2023, Nhà nước đã bố trí khoảng 1.624 tỷ đồng nguồn vốn hoạt động kinh tế đường sắt để thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 993 đường ngang. 

Trong đó, ngành Đường sắt đã triển khai thi công và đưa vào khai thác sử dụng 226 đường ngang thuộc dự án nâng cấp, sửa chữa đường ngang hợp pháp nhưng vi phạm điều lệ đường ngang; 402 đường ngang thuộc dự án nâng cấp, cải tạo đường ngang biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động lắp cần chắn tự động và đường ngang có người gác; 365 đường ngang thuộc dự án sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống thông tin tín hiệu đối với 566 đường ngang có gác.

Với 184 đường ngang còn lại, theo ông Trần Anh Tuấn, kế hoạch ban đầu việc lắp đặt bổ sung tín hiệu phải hoàn thành trong năm 2023 song vốn chưa bố trí đủ. Các đường ngang này hầu hết là giao cắt giữa đường sắt với quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị ở khu vực dân cư đông đúc, có mật độ phương tiện giao thông lớn. Trường hợp xảy ra tai nạn, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Còn 184/566 đường ngang cần thiết phải sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu. Ảnh minh hoạ
Còn 184/566 đường ngang cần thiết phải sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu. Ảnh minh hoạ

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT kiến nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành bố trí vốn triển khai thực hiện đối với 184 đường ngang này để hoàn thành trong năm 2025.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sau đó đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan bố trí đủ nguồn kinh phí trong năm 2024 để hoàn thành sửa chữa toàn bộ 566 đường ngang, chậm nhất trong năm 2025.

Theo ông Trần Anh Tuấn, dự kiến sẽ cần khoảng 400 tỷ đồng để hoàn thiện việc đầu tư, lắp đặt bổ sung tín hiệu. 

Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến nay, Nhà nước chỉ bố trí nguồn vốn hoạt động kinh tế đường sắt để triển khai thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang. Các dự án, công trình ATGT khác theo Kế hoạch 994 không được bố trí vốn.

Vì vậy các mục tiêu, nội dung thực hiện đối với lĩnh vực đường sắt chưa được thực hiện, hoàn thành như: Giải tỏa, đền bù hành lang ATGT đường sắt; Cắm mốc hành lang ATGT đường sắt trên tất cả các tuyến; Xây dựng, hệ thống đường gom và hàng rào cách ly; Dự án xây dựng cầu đường bộ tách khỏi cầu chung đường sắt…

Cùng đó, việc bố trí nguồn vốn hoạt động kinh tế đường sắt để thực hiện việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang cũng chưa đáp ứng nhu cầu, dẫn đến nhiều công trình chậm tiến độ, kéo dài thời gian hoàn thành để đưa vào khai thác sử dụng.

Sớm bố trí vốn xử lý dứt điểm

Hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vị trí, hạng mục công trình đang khai thác sử dụng tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông như: 3.279 lối đi dân tự mở, các vị trí đường ngang có mật độ phương tiện giao thông đông đúc.

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, các hạng mục công trình đường sắt theo Kế hoạch 994 chưa được thực hiện, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung các nội dung này vào Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt theo Quyết định số 358/2020358/QĐ-TTg (Đề án 358). Trong đó, mục tiêu đến 2025 xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở. Tuy nhiên, hiện công tác triển khai đề án chậm.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đến nay chỉ có 12/34 địa phương triển khai thực hiện việc xây dựng hàng rào, đường gom ngăn cách giữa đường sắt và đường bộ theo Đề án 358. Trong đó, đường gom được 22,634km, hàng rào 15,089km; xây dựng được 4 đường/297 đường ngang (đạt 1,34%); xây dựng 2 hầm/149 hầm chui (đạt 1,34%).

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí vốn thực hiện các công trình đã đề ra trong Đề án 358. Theo đó, xây dựng 627,585km đường gom, hàng rào; xây dựng 293 đường ngang; xây dựng 147 hầm chui. Mục tiêu hoàn thành việc đóng 3.279 lối đi tự mở đảm bảo ATGT theo đúng tiến độ.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung góp ý, đường ngang dân sinh tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Việc bổ sung tín hiệu giúp nâng cao hiệu quả trong ngăn ngừa các rủi ro do yếu tố chủ quan từ con người. Nhưng trong khi chờ bố trí vốn đầu tư ngành đường sắt và các địa phương cần kết hợp để có phương án xử lý tạm thời.

Đối với các đường ngang phức tạp về ATGT vào các giờ cao điểm sáng, chiều tối cần có lực lượng chức năng hỗ trợ hướng dẫn giao thông; các đơn vị quản lý, khai thác hạ tầng đường sắt trên địa bàn cần cung cấp lịch trình chạy tàu để cảnh báo an toàn tại các đường ngang có người qua lại thường xuyên; đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về ATGT đường sắt, rà soát hệ thống đường ngang qua đường sắt.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban ATGT quốc gia đã liên tục có những ý kiến chỉ đạo về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT tại các đường ngang, lối đi dân sinh qua đường sắt. Trong đó yêu cầu phải cương quyết chấm dứt việc để phát sinh đường ngang trái phép, xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương có liên quan nếu để xảy ra phát sinh đường ngang dân sinh trái phép.

Hiện Bộ GTVT đang cho rà soát lại việc triển khai thực hiện Kế hoạch 994 và theo dõi, cập nhật việc triển khai Đề án 358 để đề xuất các giải pháp tiếp theo. Trong đó kiến nghị bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách T.Ư để hỗ trợ cho các địa phương theo từng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt theo quy định.