Nhiều địa phương quyết tâm phát triển phong trào khởi nghiệp thực chất

Theo Nguyễn Hằng/VOV1
Chia sẻ Zalo

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thúc đẩy doanh nghiệp phát triển là một động lực, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp, các Bộ ngành, địa phương cũng đã có nhiều chương trình, đề án phát triển, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban - Ban Kinh tế Trung ương, tại Nghị quyết 52 và Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị đã xác định tầm nhìn đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất thông minh, trung tâm khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo hàng đầu châu Á, đây là một tầm nhìn thể hiện quyết tâm cao.

Bộ Chính trị cũng đề ra nhiều chủ trương, chính sách và định hướng cho doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm... để thực hiện. Cùng với đó đẩy nhanh quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới sáng tạo, phát triển vườn ươm doanh nghiệp...

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một động lực quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một động lực quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia

Ông Nguyễn Đức Hiển cho biết: "Việt Nam đang đứng trong nhóm số ít các Quốc gia trên thế giới đang trong quá trình tự tạo các sản phẩm đổi mới sáng tạo riêng cho quốc gia mình. Nhiều tỉnh thành phố được chúng tôi thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị thì cho thấy nhiều địa phương như TP HCM, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương... đã rất tích cực trong việc triển khai chính sách hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đạt được nhiều kết quả tích cực".

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp, các Bộ ngành, địa phương cũng đã có nhiều chương trình, đề án phát triển, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thời gian qua tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách cũng như huy động mọi nguồn lực để khởi động chương trình khởi nghiệp và chính thức vận hành Hệ sinh thái khởi nghiệp từ năm 2018. Qua 5 năm triển khai hỗ trợ khởi nghiệp, hầu hết chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt, có chỉ tiêu vượt rất cao.

Tính đến đầu năm 2022, các chỉ tiêu đến năm 2025 cơ bản đã hoàn thành, một số kết quả nổi bật như công tác tuyên truyền, kết hỗ trợ được đẩy mạnh trên các cơ quan thông tấn báo chí, trang mạng xã hội, góp phần lan tỏa khát vọng khởi nghiệp; công tác đào tạo cố vấn khởi nghiệp, giảng viên khởi nghiệp được chú trọng.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Tỉnh Quảng Nam là một địa phương tuy đi sau xây dựng phong trào khởi nghiệp, nhưng khi chúng tôi đã bắt đầu, chúng tôi tìm ra cách đi mới, cách làm mới để quyết tâm đưa phong trào khởi nghiệp phát triển nhanh mạnh, không hình thức. Đến nay từ 14/18 địa phương của tỉnh, đã thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp tại địa phương của mình. Chúng tôi động viên, theo dõi, giúp đỡ để các câu lạc bộ này vượt qua khó khăn và hiện nay đang vững bước trên con đường phát triển".

Nhiều Bộ ngành, địa phương có nhiều chương trình, đề án phát triển, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia  
Nhiều Bộ ngành, địa phương có nhiều chương trình, đề án phát triển, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia  

Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khởi xướng từ năm 2002 và duy trì cho đến nay. Đã có hàng vạn thanh niên tham gia vào hàng nghìn dự án khởi nghiệp sáng tạo và hàng nghìn nhà khởi nghiệp đã trưởng thành, phát triển.

Đến nay, nước ta đang xếp ở vị trí 48/132 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (theo Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO), chỉ đứng sau Singapore và Thái Lan trong các nước Đông Nam Á. Theo Báo cáo thường niên của DO Ventures và Cento Ventures, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế top đầu ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore.