Để tìm kiếm giải pháp xử lý những bất cập còn tồn tại trong Luật, sáng 10/5 tại Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư; tiến tới xây dựng, hoàn chỉnh bản kiến nghị gửi tới cơ quan quản lý.
Quá trình đô thị hóa của nước ta nhanh về “lượng” nhưng chưa đảm bảo về “chất”. Ảnh: Đức Giang.
Chưa như mong đợi
Trong quá trình xây dựng và phát triển, QHĐT đã góp phần thay đổi tích cực bộ mặt đô thị Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, QHĐT tại nước ta hiện vẫn còn nhiều hạn chế: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội mới ở mức sơ khai; quá trình phát triển quá nóng, không theo quy hoạch chung; nhiều dự án quy hoạch treo cũng như việc thay đổi quy hoạch khá tùy tiện… Chất lượng quy hoạch cũng là một vấn đề cần phải xem xét lại. Những khó khăn của nền kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong khoảng 5 năm trở lại đây khiến cho việc phát triển đô thị không thể tiến hành đồng nhất trên quy mô lớn. Các dự án xây dựng đô thị nhỏ lẻ vô hình chung dẫn tới hình thái đô thị bị xé lẻ, gây lãng phí lớn về tài nguyên. Việc thực hiện quy hoạch chưa nghiêm hiện nay đã làm nhiều dự án dù được phê duyệt nhưng không thể (hoặc chậm) đi vào thực hiện.
Quá trình đô thị hóa tại Việt Nam được đánh giá là tương đối nhanh về "lượng", nhưng "chất" (liên quan tới hình thái, văn minh đô thị cũng như các yếu tố văn hóa khác) thì chưa thực sự như mong đợi. Các điều kiện về mặt hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, các dịch vụ đô thị chưa được tổ chức và quản lý tốt. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng khiến môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lượng rác thải, nước thải phát sinh không được xử lý. Cùng với đó, việc quản lý thiếu chặt chẽ quá trình nhập cư ồ ạt của lao động nông thôn tới các đô thị để sinh sống, làm việc ít nhiều gây nên tình trạng lộn xộn, cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mặt xã hội.
Cần rà soát tổng thể
Luật QHĐT ra đời đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề bất cập trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị tại Việt Nam. Tuy nhiên, Luật cũng còn không ít điểm hạn chế và trên thực tế đang gây khó cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực thi.
Những băn khoăn chung được đề cập tới như tại sao trong Luật QHĐT chỉ chú trọng tới vấn đề xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trong khi hạ tầng giao thông, hạ tầng phụ trợ khác không được đề cập rõ ràng? Thiết kế đô thị có phải là một đồ án hay chỉ là một nội dung của đề án quy hoạch chung? Hệ thống quy hoạch đã phù hợp với thông lệ quốc tế chưa? hay vì sao sự xuất hiện của các đặc khu kinh tế, khu dân cư như xí nghiệp nông nghiệp lại chưa được đề cập tới?...
Theo TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, vấn đề phát triển đô thị lộn xộn hiện nay một phần do sự yếu kém của các cơ quan tham mưu. Nếu không có ý tưởng phân khu, vùng mà chỉ chăm chăm đi vào quy hoạch chi tiết thì không thể có được những đô thị hiện đại. Quy hoạch TP Hồ Chí Minh cũng từng giống với Hà Nội hiện nay, tức là phủ kín các quy hoạch chi tiết. Điều này gây lãng phí lớn về mặt tài nguyên, và làm giàu cho một số nhóm lợi ích.
Cùng chung quan điểm trên, TS Trần Trọng Hanh, nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch (Bộ Xây dựng) cho rằng, quy hoạch phân khu hiện nay chưa rõ ràng, không phải là quy hoạch chung, cũng chẳng chi tiết. Quy hoạch hạ tầng trong ngắn hạn 5 hay 10 năm chưa được đề cập đến là thiếu sót lớn, cũng như tỷ lệ bản đồ gốc được xây dựng như hiện nay là chưa thực sự hợp lý và phi kỹ thuật. Việc đánh giá tác động môi trường chiến lược với tất cả các quy hoạch hiện nay cũng không cần thiết và đang gây lãng phí lớn. Ông Hanh kiến nghị, với các quy hoạch dưới cấp thị trấn, chỉ cần có đánh giá và làm cam kết bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cơ quan ban hành luật cũng cần rà soát, làm rõ nhiệm vụ, chức năng của quy hoạch đô thị quốc gia, cũng như xem xét lại việc lập quy hoạch phân khu, mở rộng phân vị quy hoạch chuyên ngành.
Ở phương diện quản lý, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Hà Nội cho rằng, một số điểm trong Luật QHĐT và Luật Xây dựng đang bị chồng chéo. Các cơ quan ban hành luật cần phải xác định rõ trách nhiệm quản lý nào thuộc thẩm quyền của Nhà nước và vấn đề gì thuộc về đoàn thể. Hiện, một số thuật ngữ trong Luật QHĐT còn chưa rõ ràng, nhiều định nghĩa trên thế giới hiện chưa có. Tuy nhiên, vấn đề không phải là có hay chưa mà cơ quan có thẩm quyền cần phải thống nhất những thuật ngữ với các bộ luật khác có liên quan, tránh gây hiểu lầm, tranh cãi không cần thiết và tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực thi.
Hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới hiện chỉ có hai quy hoạch là quy hoạch kinh tế và quy hoạch sử dụng đất. Xu hướng tích hợp cả hai cách quy hoạch này đang rất phổ biến tại những đô thị lớn. Và Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm tới vấn đề này, bởi sự phát triển đô thị, nông thôn có liên quan mật thiết và không thể tách rời nhau. “ - TS.KTS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
|