Nhiều điểm mới trong quản lý đất đai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã chính thức thông qua Luật Đất đai sửa đổi, điều mà người dân quan tâm, mong đợi đã được đáp ứng. Luật đã quy định chặt chẽ hơn, khắc phục được tình trạng lạm quyền, tùy tiện trong việc thu hồi đất.

Những chính sách mới thay đổi được kỳ vọng sớm đi vào cuộc sống, tạo ra cuộc "cách mạng" trong quản lý đất đai.
Việc thu hồi đất để xây dựng các công trình đô thị đã được quy định chặt chẽ hơn trong Luật Đất đai sửa đổi.     Ảnh: Đức Giang
Việc thu hồi đất để xây dựng các công trình đô thị đã được quy định chặt chẽ hơn trong Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: Đức Giang
Luật Đất đai sửa đổi có nhiều điểm tiến bộ hơn so với Luật Đất đai 2003. Thành tựu lớn nhất của luật là đưa ra được cơ chế minh bạch, công khai, công bằng, có sự tham gia ý kiến và giám sát của người dân. Phần quy hoạch sử dụng đất đã có nhiều thay đổi tích cực, bởi không chỉ quy hoạch theo loại đất, mà chuyển một phần theo quy hoạch phân vùng. Đây là sự chuyển đổi cần thiết và đúng đắn, tạo ra công cụ tốt để quản lý đất đai. Luật sửa đổi đã mạnh dạn bỏ quy hoạch cấp xã, được các chuyên gia đánh giá là phù hợp, vì có thể tích hợp quy hoạch cấp xã vào cấp huyện, khiến công tác quy hoạch không còn manh mún, có thể giảm chi phí, công sức trong công tác quy hoạch.  

Vấn đề Nhà nước thu hồi đất và định giá đất được người dân quan tâm, mong đợi. Luật Đất đai sửa đổi đã đưa ra quy định hội đồng thẩm định giá đất trước khi UBND cấp tỉnh quyết định giá đất. Trong hội đồng có đại diện các ban ngành liên quan và sự tham gia của cơ quan định giá đất độc lập. Đây là một bước tiến bộ, vì sự tham gia của cơ quan định giá độc lập có thể góp phần làm cho việc định giá khách quan hơn. "Tuy nhiên, trong hướng dẫn thực hiện, chúng ta phải lưu tâm tới việc hội đồng này phải hoạt động thực chất, không phải là hình thức, bởi chủ tịch hội đồng thẩm định giá đất lại chính là chủ tịch UBND cấp tỉnh" - GS.TSKH Đặng Hùng Võ đề xuất.

Theo GS Đặng Hùng Võ, so với pháp luật hiện hành, chúng ta giảm được trường hợp thu hồi đất cho các dự án có vốn đầu tư lớn thuộc nhóm A, tạo bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Một điểm khác với pháp luật hiện hành, là không thu hồi đất cho các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đây cũng là điều kiện công bằng, bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài chưa có quyền được nhận chuyển nhượng, thuê và nhận góp vốn trực tiếp từ hộ gia đình, cá nhân. Chính vì vậy, đã thu hẹp cửa tiếp cận đất đai của các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đây chính là điểm cần lưu tâm trong việc xây dựng Nghị định hướng dẫn, không thu hẹp khả năng tiếp cận các dự án FDI. Ngoài ra, chúng ta chỉ thu hồi đất đối với những dự án thật cần thiết. Luật đã cụ thể hóa trao quyền quyết định cho Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh. 

Một trong những điểm mới của Luật Đất đai lần này, đó là thời hạn và hạn mức sử dụng đất nông nghiệp đã được điều chỉnh, nới rộng hơn. Thời hạn sử dụng đất đồng loạt tăng lên 50 năm, thay vì 20 và 50 năm như trước đây. Điều này sẽ tạo điều kiện cho bà con nông dân yên tâm hơn trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, có một điểm quan trọng, được Luật Đất đai 2003 coi là trọng tâm, Luật 2013 lại bỏ qua, đó là quyền được đòi lại đất cũ nếu mảnh đất đó không bị điều chỉnh bởi các chính sách của Nhà nước trong các giai đoạn trước đây. Luật 2003 đã có quy định nguyên tắc rõ ràng, thế nào là trường hợp đất đai được điều chỉnh bởi các chính sách của Nhà nước trước đây. "Trên thực tế, việc đòi lại đất cũ của người dân gặp nhiều khó khăn, triển khai được rất ít, và đây là câu chuyện gây bức xúc trong đời sống của người dân. Việc loại bỏ trọng tâm này khỏi Luật Đất đai 2013 cũng là điều phải lưu ý trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành" - GS Đặng Hùng Võ chia sẻ.