Nhiều điểm tiến bộ, sát với thực tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tư pháp đã phát động đợt lấy ý kiến của Nhân dân góp ý cho Bộ luật Dân sự - BLDS (sửa đổi). Dự thảo BLDS (gọi tắt là Dự thảo) lần này có tổng số 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương.

Bộ Tư pháp đã phát động đợt lấy ý kiến của Nhân dân góp ý cho Bộ luật Dân sự - BLDS (sửa đổi). Dự thảo BLDS (gọi tắt là Dự thảo) lần này có tổng số 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương. So với BLDS năm 2005, Dự thảo sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều với phạm vi sửa đổi được xác định là cơ bản và toàn diện. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ, các quy định trong lần sửa đổi này được xây dựng trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý.

Báo Kinh tế & Đô thị xin được đăng các ý kiến của người dân và các nhà chuyên môn cho đợt lấy ý kiến sửa đổi BLDS này. Trong thời gian tới, Báo sẽ tiếp tục thông tin về các ý kiến góp ý cho BLDS (sửa đổi)
Nhiều điểm tiến bộ, sát với thực tế - Ảnh 1
Luật sư Vi Văn A - Trưởng Văn phòng Luật sư số 7, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Các nội dung sửa đổi sát với tình hình thực tế

Dự thảo so với BLDS 2005 có bố cục ngắn gọn, đã bãi bỏ 147 điều, sửa đổi trên một nửa các điều luật (sửa 289 điều), các phần và chương cũng được sắp xếp lại hợp lý. Đây cũng là một nội dung đổi mới so với BLDS cũ, để BLDS (sửa đổi) thực sự gần gũi với người dân khi người dân tìm hiểu và áp dụng luật trong thực tế, thực sự đi vào “đời sống dân sự” phổ biến và diễn ra hàng ngày, hàng giờ mà các giao dịch, quan hệ dân sự của người dân cần điều chỉnh.

Nhìn tổng quát các vấn đề trọng tâm xin ý kiến là những vấn đề, những giao dịch trong quá trình áp dụng BLDS 2005 gặp bất cập hoặc chưa điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế xảy ra, như: Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong bảo vệ trách nhiệm dân sự; Quyền nhân thân; Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; Bảo vệ người thứ ba trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu; Hình thức sở hữu; Thời điểm xác lập sở hữu và các vật quyền khác; Điều chỉnh hợp đồng trong khi hoàn cảnh thay đổi; Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; thời hiệu… Những vấn đề trên là những quan hệ pháp luật trong thời gian gần đây thường xuyên cần phải điều chỉnh, khó áp dụng như: Thực tế trong tranh chấp hợp đồng vay tiền giữa cá nhân với cá nhân hoặc tổ chức. Để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, các bên xác lập thêm hợp đồng bán nhà hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất kèm theo. Nhưng khi bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ, bên cho vay đăng ký sang tên nhà đất dẫn đến tranh chấp, khiếu nại; thậm chí bên cho vay đăng ký sang tên nhà đất xong đã chuyển nhượng cho bên thứ ba; khi giải quyết tranh chấp xác định được giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất là vô hiệu… Do vậy, đây là những nội dung cần quan tâm và bổ sung, sửa đổi.

 TS Vương Thanh Thúy - Khoa Pháp luật Dân sự, Đại học Luật Hà Nội:
Nhiều điểm tiến bộ, sát với thực tế - Ảnh 2

Bảo vệ tốt hơn quyền của cá nhân, tổ chức trong quan hệ dân sự

Dự thảo đã bổ sung thêm nhiều quy định mới trên tinh thần bảo vệ tốt hơn quyền của các cá nhân, tổ chức trong quan hệ dân sự, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể hiện sự tiếp thu các quan điểm xây dựng luật tiên tiến của các nước trên thế giới. Hành lang pháp lý đối với nhóm người yếu thế trong xã hội được chú trọng tăng cường, thông qua những thay đổi trong các quy định về quyền nhân thân của cá nhân, các quy định về người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi dân sự. Khả năng bảo vệ quyền sở hữu cũng được tập trung điều chỉnh qua sự bổ sung các vật quyền đảm bảo, quyền ưu tiên thanh toán, sự nhận diện chính xác về bản chất của chiếm hữu khi giải quyết các tranh chấp trong xã hội. Quan hệ hợp đồng được quy định linh hoạt và “hiện đại” rõ nét với sự xuất hiện lần đầu của hợp đồng hợp tác, các quy định về điều chỉnh hợp đồng khi có hoàn cảnh thay đổi, quy định về vấn đề vô hiệu liên quan đến hình thức của hợp đồng. Quyền và lợi ích chính đáng của người dân trước đây đã gặp nhiều bất cập trong các vụ việc về bồi thường thiệt hại đã được Dự thảo giải quyết thông qua những bổ sung hiệu quả các quy định mang tính nguyên tắc về bồi thường thiệt hại cho cộng đồng.

So với BLDS năm 2005, Dự thảo không tiếp tục quy định về một số chế định như phần “Quy định về chuyển quyền sử dụng đất”, phần “Quyền Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ”, nội dung của hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng bảo hiểm... Việc không tái kết cấu các nội dung này thể hiện định hướng đảm bảo tính luật gốc của BLDS trong lĩnh vực luật tư. Theo đó, các vấn đề cụ thể nên được các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định, còn BLDS chỉ đưa ra các nguyên tắc và các quy định nền tảng cho các quan hệ dân sự nói chung.
Nhiều điểm tiến bộ, sát với thực tế - Ảnh 3
 Chị Nguyễn Hồng Minh - Phố Tân Ấp, quận Ba Đình, Hà Nội:

Cần có văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành

Theo dõi lần lấy ý kiến góp ý BLDS (sửa đổi) lần này, tôi đặc biệt lưu ý đến nội dung về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự. Trong đó, có quy định: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì có lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, Tòa án căn cứ vào tập quán, nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng”. Theo tôi, đây là một quy định rất tiến bộ so với BLDS 2005. Nội dung này đã quy định rõ các cơ quan xét xử phải làm việc hết trách nhiệm, tận tâm và không được phép từ chối việc xét xử bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Đây rõ ràng là một bước tiến trong việc ghi nhận quyền của cá nhân, tổ chức trong nguyên tắc xây dựng BLDS (sửa đổi). Tuy nhiên, nếu quy định này được hiện thực hóa, tôi nghĩ cần phải có các văn bản hướng dẫn thi hành rõ ràng, cụ thể, chi tiết, đặc biệt là về các khái niệm lẽ công bằng, tập quán để Tòa án có thể thực thi đúng luật, đúng thẩm quyền vì nếu không quy định rõ, rất dễ xảy ra tình trạng xử sai với lý do vin vào phong tục, tập quán. Đồng thời, nếu quy định này được chấp thuận, các Chánh án cũng đòi hỏi phải linh hoạt, tìm tòi nghiên cứu, áp dụng tập quán, lẽ công bằng để giải quyết hợp tình, hợp lý các vụ, việc.

 Ông Lương Thế Huy - Nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường:
Nhiều điểm tiến bộ, sát với thực tế - Ảnh 4

Quan tâm hơn đến quyền nhân thân cho người chuyển giới

Theo nghiên cứu về người đồng tính, song tính, chuyển giới của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) năm 2012, các khó khăn của người chuyển giới tập trung ở hầu như tất cả các khía cạnh của cuộc sống như gia đình, trường học, việc làm, sức khỏe, pháp lý… Trong đó, trở ngại từ việc pháp luật không thừa nhận lại là một bức tường quá lớn. Các vấn đề pháp lý của người chuyển giới tập trung vào 3 vấn đề lớn: Thay đổi tên cho phù hợp với giới tính mong muốn, cho phép thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính và thừa nhận giới tính mới trong các giấy tờ sau khi phẫu thuật.

Việc sử dụng một cái tên không đúng với thể hiện giới gây nhiều phiền toái cho người chuyển giới, luôn bị săm soi, điều tra như tội phạm. Việc không cho phép phẫu thuật, trong khi trình độ y tế Việt Nam hoàn toàn có thể làm được, khiến nhiều người phải sang các nước lân cận trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc để thực hiện hành vi chuyển giới. Tuy nhiên, nhiều người sau khi phẫu thuật ở nước ngoài, tốn kém và nguy hiểm, nhưng trở về Việt Nam thì không thể thay đổi giấy tờ, bỗng chốc trở thành “người vô hình” khi giấy tờ không khớp với tình trạng cơ thể. Đây là một nghịch lý lớn mà BLDS đang được sửa đổi cần giải quyết ngay, nhất là khi chúng ta cũng sắp sử dụng nhiều công cụ như mã số định danh, cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất, những thay đổi về tên, giới tính đều có thể làm đơn giản, dễ ghi nhận, quản lý thuận tiện. Vì vậy, tôi muốn kiến nghị, thêm điều khoản cho phép đổi tên “phù hợp với giới tính mong muốn”, ghi nhận quyền “thay đổi giới tính theo mong muốn” và “thừa nhận giới tính mới, cho phép thay đổi giới tính trên giấy tờ nhân thân sau khi chuyển đổi giới tính”.