Cũng từ vụ cháy này, cơ quan chuyên môn đã chỉ ra nhiều điều bất cập trong việc thực hiện các quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cây xăng trên địa bàn Hà Nội.
Các cửa hàng xăng, dầu cần thực hiện đúng các quy định về công tác phòng chống cháy nổ. Trong ảnh: Cửa hàng xăng, dầu số 31 trên đường Láng. Ảnh: Thanh Hải
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 500 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu; riêng trong khu vực nội thành có hơn 100 cửa hàng. Do quỹ đất chật chội, nên hầu hết các cửa hàng xăng, dầu không đạt quy chuẩn về an toàn theo quy định, có nguy cơ xảy ra cháy, nổ lớn, mà vụ việc xảy ra tại Trạm xăng dầu số 9 (số 2B phố Trần Hưng Đạo) là một ví dụ điển hình.
Ủy viên Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Bùi Thị An: Phải tăng cường giám sát phòng chống cháy nổ
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐB Bùi Thị An (Ủy viên Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội) nhận định: Thực sự Hà Nội đang có một vấn đề phải đối mặt là quy hoạch cũ có những bất cập nhưng chưa thể thay đổi ngay được, nên gây ảnh hưởng đến nhiều hoạt động, nhất là cho công tác phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên có thể nói, vụ cháy vừa qua có phần trách nhiệm của chính quyền sở tại vì họ thiếu kiểm tra thường xuyên, nhắc nhở các đơn vị, hộ gia đình kinh doanh gần trạm xăng. Do đó, cần phải tăng cường giám sát thường xuyên và nhất là đào tạo cán bộ, nhân viên trực tiếp làm việc ở cơ sở kinh doanh xăng, dầu.
Nguyễn Vũ ghi
|
Sau khi xảy ra vụ cháy, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã quan sát các địa điểm kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn Hà Nội. Qua đó, cho thấy, nhiều cây xăng, dầu nằm cạnh những khu dân cư, nơi đông người qua lại... có nguy cơ xảy ra cháy nổ bất cứ lúc nào. Cụ thể: Trạm xăng dầu số 9 tại phố Trần Hưng Đạo nằm tại vị trí nút giao thông Trần Hưng Đạo - Hàn Thuyên - Trần Thánh Tông, nơi có mật độ giao thông lớn, nằm bên cạnh khu tập thể đông dân cư, cửa hàng ăn; Cây xăng số 259 đường Giải Phóng nằm ngay dưới khu vực gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng; Cửa hàng xăng, dầu Việt Cường, ở Thúy Lĩnh (quận Hoàng Mai) nằm dưới hành lang bảo vệ cầu Thanh Trì; Các cây xăng trên đường Đê La Thành, Tây Sơn, Khâm Thiên, Trần Khát Chân, Tạ Quang Bửu... cũng đều nằm xen giữa khu dân cư, ven tuyến đường có mật độ giao thông lớn.
Theo tiêu chuẩn thiết kế được quy định với những trạm xăng dầu, thì khoảng cách từ các trạm xăng tới khu vực đông người tối thiểu 100m, các công trình dân dụng không dưới 10m, các công trình công cộng không dưới 50m, nếu tiếp giáp với các công trình xây dựng khác buộc phải có tường bao chống cháy cao trên 2,2m. Đặc biệt, việc tiếp xăng không được thực hiện trong thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ. Tuy nhiên, phần lớn cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn Hà Nội không đáp ứng được những yêu cầu trên. Và vụ cháy tại Trạm xăng dầu số 9 (số 2B phố Trần Hưng Đạo) chiều 3/6 cho thấy, chiếc xe téc bốc cháy khi đang tiếp xăng lúc hơn 13 giờ. Đáng lưu ý, tại thời điểm tiếp nhiên liệu, cây xăng này vẫn mở cửa bán hàng.
Luật sư Phạm Hồng Sơn, Trưởng văn phòng Luật sư Phạm Sơn cho biết, theo quy định, cây xăng trong đô thị phải đảm bảo các yêu cầu sau: Không được làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông, cụ thể: Phải cách lộ giới (chỉ giới đường đỏ) ít nhất 7m (tính từ mép ngoài hình chiếu bằng của công trình trạm xăng); Đối với cây xăng nằm gần các giao lộ (tính đến giao lộ với đường khu vực trở lên), khoảng cách từ lối vào tới chỉ giới đường đỏ gần nhất của tuyến đường giao cắt với tuyến đường đi qua mặt tiền của cây xăng cần đảm bảo ít nhất 50m; Cách ngoài phạm vi bảo vệ dọc cầu và đường dẫn lên cầu tối thiểu 50m; Cách điểm có tầm nhìn bị cản trở ít nhất 50m (ví dụ: Cách điểm tiếp tuyến của đường cong của đường giao thông có bán kính cong <50m, ít nhất 50m dọc theo đường). Ngoài ra, phải bảo đảm an toàn về phòng chống cháy, bảo vệ cảnh quan, như: Phải cách nơi tụ họp đông người (như trường học, chợ) ít nhất 100m; Cách các trạm xăng khác ít nhất 300m; Cách các danh lam thắng cảnh ít nhất 100m...
Hiện trường vụ cháy tại Trạm xăng dầu số 9 (số 2B phố Trần Hưng Đạo).Ảnh: Đức Giang
Để đảm bảo an toàn cũng như việc phân bổ địa điểm kinh doanh bán lẻ xăng, dầu hợp lý, ngày 5/11/2012, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, số cửa hàng xăng, dầu phải xóa bỏ, giải tỏa, di dời là 56; xây mới từ 312 đến 347 điểm bán lẻ xăng, dầu. Riêng giai đoạn từ năm 2010 - 2015, xây mới 200 cửa hàng bán lẻ mặt hàng này.
Quy định đã rõ ràng. Quy hoạch hệ thống các điểm bán xăng, dầu trên địa bàn đã được phê duyệt. Để không tiếp tục xảy ra những vụ việc tương tự như ở Trạm xăng dầu số 9, các ngành chức năng, chính quyền các quận, huyện, cần quyết liệt, chủ động hơn nữa trong việc triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới cửa hàng xăng, dầu theo hướng an toàn, hiện đại đã được phê duyệt. Mặt khác, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống bán lẻ xăng, dầu; kiên quyết xử lý những cửa hàng không bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn hoặc vi phạm quy chế hoạt động, thậm chí đóng cửa vĩnh viễn... Có như vậy, mới giải quyết được triệt để vấn đề cháy, nổ tại các cây xăng, dầu trên địa bàn TP.
Chiều 4/6, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tặng Bằng khen cho Ban Chỉ huy quân sự quận Hoàn Kiếm và Đại đội PCCC - Phòng hóa (Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Thủ đô) vì đã có thành tích xuất sắc trong việc tham gia dập tắt đám cháy trong khuôn viên cây xăng số 2B phố Trần Hưng Đạo.
Quốc Toản
|