Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều doanh nghiệp Hà Nội tham dự Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ TME 2016

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đưa DN Hà Nội tham gia Triển lãm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Thailand Manufacturing Expo (TME) 2016 là cơ hội để DN tiếp cận kỹ thuật sản xuất tiên tiến, qua đó nâng cao sức mạnh trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư -Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) khi thông tin về việc đưa DN Hà Nội tham dự Triển lãm.

Chưa đáp ứng nhu cầu

Số liệu của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, việc DN sản xuất theo mô hình chuỗi đã góp phần khẳng định vị thế Hà Nội trong việc sản xuất, cung ứng những sản phẩm CNHT có thế mạnh của TP. Cụ thể, các DN Hà Nội hiện đã cung ứng ra thị trường các mặt hàng như linh kiện ô tô, xe máy, vật liệu điện, bao bì, phụ tùng cơ khí xi măng, cơ khí mỏ, nhiệt điện, thủy điện… Đặc biệt, 4 nhóm ngành có quy mô lớn là Cơ khí; Bao bì nhãn mác; Phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy và Điện điện tử viễn thông.
DN CNHT Việt Nam tiếp cận công nghệ mới tại hội chợ TME 2015-hoai nam (1)
DN CNHT Việt Nam tiếp cận công nghệ mới tại hội chợ TME 2015. Ảnh: Hoài Nam
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực song nhìn chung CNHT Việt Nam cũng như của Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Thực tế cho thấy, các DN trong nước hiện chỉ sản xuất các linh kiện chi tiết giản đơn, giá trị gia tăng thấp. Theo số liệu của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), hiện tại Việt Nam có 1.500 DN Nhật Bản hoạt động, một nửa trong số đó thuộc lĩnh vực sản xuất. Nhưng tỷ lệ sản phẩm CNHT mà các DN này đặt hàng tại Việt Nam chỉ đạt 33% nhu cầu. Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm đều được cung cấp bởi DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam.

Tạo đà cho công nghiệp hỗ trợ

Với mục tiêu hỗ trợ DN ngành CNHT phát triển, trong tháng 6/2016, HPA phối hợp với Tập đoàn Reed Tradex (Thái Lan) đưa các DN Việt Nam tham dự Triển lãm TME 2016 về công nghiệp chế tạo, CNHT, điện điện tử, tự động hóa… tổ chức tại Bangkok (Thái Lan), qua đó tạo cơ hội cho DN Việt Nam tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến. Thông tin từ HPA cho thấy, triển lãm này thu hút sự tham gia của hơn 2.425 thương hiệu đến từ 46 quốc gia. Các mặt hàng tham gia triển lãm bao gồm: Phụ tùng ô tô; dịch vụ công nghiệp chế tạo gia công, kỹ thuật, thiết kế 3D, nghiên cứu; chế tạo phụ tùng cơ khí như khuôn đúc, bu-lông, phụ tùng kim loại và nhựa… Bà Anh cho biết, nhằm giúp cộng đồng DN CNHT Hà Nội gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, trong kỳ tham gia triển lãm lần này, HPA đã tổ chức gian hàng giới thiệu các sản phẩm CNHT, công nghiệp chủ lực của Hà Nội. Cụ thể gồm các sản phẩm: Cơ kim khí; phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy; điện - điện tử, điện lạnh; nhựa, cao su... Nhằm thu hút DN nước ngoài chọn Hà Nội đầu tư vào lĩnh vực CNHT, trong thời gian tham gia Triển lãm, HPA sẽ tổ chức buổi giới thiệu cơ chế, chính sách, cơ hội đầu tư vào Hà Nội trong lĩnh vực CNHT tới các tập đoàn, DN quốc tế.

Đây không phải là lần đầu tiên HPA đưa DN CNHT Hà Nội tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận công nghệ mới thông qua việc tham gia Triển lãm TME. Trong kỳ tham gia Triển lãm TME 2015, Công ty CP Thép Bắc Việt đã ký kết hợp đồng cung cấp vật tư đóng gói bằng thép với Công ty TNHH Thương mại JSR của Nhật Bản trị giá 300.000USD/năm. Đại diện Công ty cho biết: Việc cung ứng sản phẩm này đã tạo cơ hội cho DN đàm phán với Công ty Toyota Boshoku và Công ty TNHH Nippon Express gia công sản xuất ghế ô tô trị giá khoảng 250.000 USD/năm. Bên cạnh đó, nhiều DN cũng đã ký kết được các hợp đồng gia công sản phẩm thiết bị công nghiệp cho các DN Ấn Độ và Nhật Bản, Hàn Quốc... Từ những kết quả trên, những kỳ hội chợ triển lãm như TME 2016 sẽ mở ra nhiều cơ hội để phát triển CNHT trong nước. Tuy nhiên, để CNHT đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, UBND TP cần ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù cho CNHT theo nhóm ngành. Bên cạnh đó, bản thân DN cần tăng cường xúc tiến tiếp cận, chuyển giao công nghệ mới theo hướng sử dụng tiết kiệm mặt bằng sản xuất, sử dụng ít nguyên liệu đầu vào, nhân công lao động.