Càng chạy xe càng lỗ
Bắt một chuyến xe với chặng đường ngắn, ship hàng chặng ngắn, giờ nhiều khách hàng khó có thể đặt được chuyến. Các lái xe cho hay, có khách thì xe nào cũng vui, nhưng giờ giá xăng khủng khiếp quá, đi ngắn không đủ bõ chi phí nên tốt nhất là không nhận.
Đại diện Hãng Vận tải Bắc Nam Nguyễn Văn Quýnh cho biết: “Trước đây mỗi ngày đơn vị vận chuyển trên 100 tấn hàng hóa. Nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và giá xăng, dầu leo thang, nên nay mỗi ngày hãng chỉ vận chuyển khoảng 40 - 50 tấn hàng, tức giảm khoảng 50% khối lượng. DN vận tải như chúng tôi đang hết sức khó khăn. Nhiên liệu tăng làm tăng chi phí, kéo giảm doanh thu và lợi nhuận. Với mức giá xăng, dầu như hiện nay, kinh doanh may lắm chỉ cầm hòa, nếu tiếp tục tăng thì chắc chắn thua lỗ, nguy cơ phá sản cận kề”.
Một nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Sơn La thậm chí đã quyết định “chạy xe ngẫu hứng” chứ không xếp lốt hàng ngày như trước. Tức là hôm nào có khách đặt, đủ để chạy xe không bị lỗ thì nhà xe này mới chạy, nếu không thì để xe “đắp chiếu”. Lý do là bởi chi phí cho một chiếc xe giường nằm chạy tuyến mỗi ngày hết khoảng 6 - 7 triệu đồng. Xăng, dầu tăng giá, khách lại vắng, nên có chạy thì cũng chỉ thu về được 2 - 2,5 triệu đồng, lỗ 4 - 5 triệu đồng thì thà không chạy còn sống, chứ chạy thì chỉ có “chết”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng cho biết, xăng, dầu chiếm khoảng 40 - 50% chi phí vận tải, trong thời gian qua giá mặt hàng này tăng mạnh đã khiến chi phí của DN đội lên rất nhiều, thu không đủ bù chi. Xăng, dầu liên tục tăng cao thời gian qua khiến các DN vận tải điêu đứng, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản nếu không sớm có giải pháp hạ nhiệt.
Thuế tiêu thụ đặc biệt xăng, dầu hiện nay đã lạc hậu?
Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) Lê Duy Hiệp phân tích, không chỉ các đơn vị vận tải truyền thống, các DN vận tải công nghệ cũng khó khăn trong việc cung ứng hàng hóa do giá xăng tăng, giao hàng gần, bắt xe chặng ngắn đã bị từ chối, đó là rủi ro lớn cho chuỗi cung ứng và vận tải.
DN vận tải công nghệ tối ưu hóa chuỗi giá trị, không phải gánh nặng trụ sở, chi phí hành chính mà còn thế, những đơn vị vận tải truyền thống gặp khó khăn như thế nào, ai cũng biết được. Đã có nhiều đề xuất giảm thuế, phí xăng, dầu đưa ra, nhưng chỉ nhỏ giọt chưa thấm vào đâu. DN hiện nay chưa thể hồi phục được, đây là nhận thức cần được nêu rõ trong hành động của cơ quan Nhà nước để có những giải pháp đồng hành, hỗ trợ, đồng cảm với DN.
Thuế tiêu thụ đặc biệt và nhập khẩu hiện nay nằm trong tầm tay của Chính phủ, Quốc hội. Thuế tiêu thụ đặc biệt xăng, dầu hiện nay đã lạc hậu, không thể nào áp dụng cho sản phẩm thiết yếu, đầu vào cho sản xuất, kinh doanh như xăng, dầu được. Nếu chúng ta áp dụng với thuốc lá, rượu bia, những mặt hàng không thiết yếu, không phải đa số người dân sử dụng thì còn có thể chấp nhận được, xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu, tác động đến mọi mặt của đời sống người dân từ chi phí vận chuyển, đến nhiên liệu đầu vào cho sản xuất. Giảm thuế xăng, dầu hiện nay cũng không thấm nhưng cũng không thể cứ khoanh tay đứng nhìn giá xăng cứ tăng ầm ầm như hiện nay.
Được biết, hiện trong ngành logistics Việt Nam, những DN lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay, 70 - 80% DN logistics là dạng vừa và nhỏ. Vậy làm sao có thể chống chịu được các cú sốc lớn từ gánh nặng chi phí hậu đại dịch. Vì thế, ông Lê Duy Hiệp cho rằng, Chính phủ, Quốc hội cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu; bước tiếp theo là cần ổn định vấn đề cung cầu bằng giải pháp dự trữ. Chuyên gia từ VLA kiến nghị không đặt gánh nặng thu ngân sách để thu thuế tiêu thụ đặc biệt trong xăng, dầu.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá Bộ Tài chính, giá xăng, dầu tăng kỷ lục đang tác động rất lớn đến hoạt động và giá thành vận tải trong nước. Để có thể ổn định và hạn chế tác động của giá xăng, dầu tăng trong hoạt động vận tải, Nhà nước có thể trích một khoản kinh phí để có thể hỗ trợ người dân, DN. Xăng, dầu là chi phí đầu vào của hầu hết ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ nên khi xăng tăng có tác động rất lớn đến mặt bằng giá cả thị trường.
Giải bài toán về giá xăng, dầu trong lúc này không hề dễ dàng. Nếu trong bối cảnh xăng, dầu tăng quá cao, cơ quan quản lý cũng nên cân nhắc đến việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hay giá trị gia tăng (GTGT). Tuy nhiên, việc thực hiện điều chỉnh thuế TTĐB, thuế GTGT thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể giảm trong “ngày một ngày hai”.
Do đó, trước mắt, Bộ Công thương cần phải tính toán, khuyến khích các DN xăng, dầu đầu mối tìm nguồn xăng, dầu rẻ để mua về góp phần giảm giá. Việc khôi phục lại sản xuất của 2 nhà máy lọc dầu trong nước cũng phải làm khẩn trương hơn. Cùng với đó, việc tiết kiệm sử dụng xăng, dầu trong bối cảnh giá tăng cao cũng phải được người dân, DN tính toán.
"Việc tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề đến năng lực của DN vận tải Việt Nam. Đối với DN vận chuyển, không thể ngay lập tức tăng giá đối với khách hàng được do chủ yếu ký hợp đồng lâu dài, cạnh tranh gay gắt giữa DN với nhau. Giá xăng, dầu ăn vào lợi nhuận, thậm chí vốn sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, DN còn phải chịu phí như hạ tầng cảng biển ở TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng…" - Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) Lê Duy Hiệp