Nhiều đòn bẩy chính sách với lĩnh vực bất động sản: Kỳ vọng thị trường sớm khởi sắc

Tiểu Thuý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù phải chịu nhiều thách thức do làn sóng Covid-19 lần thứ 4 gây ra, song thị trường bất động sản (BĐS) vẫn đón nhận loạt chính sách quan trọng của Chính phủ, được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy giúp thị trường này giữ vững thăng bằng, sớm ổn định trong năm 2022.

Đón “cửa sáng” với loạt chính sách quan trọng

Ngay từ đầu năm 2021, Chính phủ đã ban hành và cải cách một số luật, nghị định liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS. Trong đó, Nghị định 69/2021/NĐ-CP ban hành ngày 15/7/2021 quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9/2021, là chính sách mới được người dân, DN và chính quyền các địa phương chờ đợi nhất. Theo đó, Nghị định số 69/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thuộc diện quy định tại Điều 110 của Luật Nhà ở, bao gồm: Việc kiểm định đánh giá chất lượng nhà chung cư, việc lập, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; yêu cầu về quy hoạch đối với khu vực cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án.
 Nhà đầu tư tìm hiểu một dự án nhà ở tại Hà Nội (thời điểm Hà Nội chưa thực hiện giãn cách). Ảnh: Phạm Hùng
Với những quy định rõ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho người được tái định cư; một số cơ chế trong việc thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Nghị định số 69/2021/NĐ-CP được đánh giá có nhiều điểm đổi mới đáng ghi nhận, hứa hẹn giúp công tác cải tạo chung cư cũ thoát khỏi tình trạng “ì ạch” bởi mâu thuẫn lợi ích và rào cản chính sách.

Cùng với Nghị định số 69/2021/NĐ-CP, Nghị định 49/2021/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 1/4/2021 thay thế cho Nghị định 100/2015/NĐ-CP về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội (NOXH) cũng đang được cơ quan quản lý Nhà nước, DN và người dân đặt nhiều trông đợi. Một trong những thay đổi đáng ghi nhận tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP là tránh được tình trạng chủ đầu tư lách luật để "né" việc dành quỹ đất 20% tại dự án cho phát triển NOXH. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển các dự án NOXH, giải quyết căn bản nhu cầu về nhà ở cho đối tượng chính sách trong lĩnh vực nhà ở với sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ nhiều tổ chức tín dụng khác bên cạnh Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngoài ra, còn có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cộng đồng DN được Chính phủ ban hành từ năm 2020, đặc biệt, khi Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ 8/2/2021 với nội dung quan trọng về việc giải cứu hàng nghìn dự án có đất xen kẹt được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nút thắt thiếu hụt nguồn cung, "thổi làn gió mới" vào thị trường BĐS…

Nhiều cơ hội đang chờ trong năm 2022?

Các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS nhận định, mặc dù còn nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thị trường BĐS vẫn cơ bản ổn định, thậm chí có nhiều cơ hội phục hồi và phát triển sôi động trong năm tới 2022.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và phát triển của DKRA Việt Nam cũng bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng về những chuyển biến tích cực đến từ loạt chính sách gỡ khó từ Chính phủ, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch. “Những năm gần đây, pháp lý luôn là nổi ám ảnh với các DN kinh doanh BĐS, đây được xem là điểm nghẽn lớn nhất khiến thị trường rơi vào cảnh ảm đạm. Tại TP Hồ Chí Minh, tốc độ phê duyệt các dự án đều chậm, số lượng dự án được phép đưa vào kinh doanh cũng rất ít. Do đó, khi loạt chính sách mới có hiệu lực, cũng đồng nghĩa thời điểm thuận lợi của thị trường BĐS đang đến gần” – ông Nguyễn Hoàng nhấn định.

Ông Nguyễn Hoàng cũng cho rằng, các chính sách liên quan đến BĐS có độ trễ tương đối lâu so với chính sách khác, thường từ 6 tháng đến 1 năm mới có tác động nhiều đến thị trường. Vì vậy, các DN BĐS và người tham gia thị trường BĐS cần phải có cách nhìn hết sức thận trọng, có chiến lược kinh doanh bảo đảm để tránh bị tác động xấu ảnh hưởng.