Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều dự án giao thông lớn sẽ triển khai và hoàn thành trong năm 2019

Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019 hứa hẹn sẽ có thêm nhiều dự án giao thông lớn được khởi công cũng như đưa vào sử dụng, hứa hẹn sẽ nâng hạ tầng giao thông Việt Nam lên một tầng cao mới.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các đơn vị liên quan đang khẩn trương và nỗ lực để sớm triển khai “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, sẽ có 3 dự án thuộc “siêu dự án” này dự kiến sẽ được khởi công ngay trong năm 2019.
Nhiều dự án giao thông lớn sẽ triển khai và hoàn thành trong năm 2019 - Ảnh 1
Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn đang trong giai đoạn triển khai.
Nhiều dự án thuộc “siêu sự án” cao tốc Bắc - Nam
Đầu tiên có thể kể tới là dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 7.699 tỷ đồng, sử dụng vốn đầu tư công. Tổng chiều dài quãng đường là 98,35km nối qua 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Trong đó, đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài 37,3km, đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế dài 61,05km. Hiện nay, dự án đã hoàn thành công đoạn lựa chọn tư vấn thiết kế và theo dự kiến sẽ khởi công dự án vào quý II năm 2019.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn khi hoàn thành sẽ giúp kết nối cơ bản các vùng kinh tế trọng điểm khu vực duyên hải miền Trung, từ tỉnh Quảng Trị vào tới tỉnh Quảng Nam và kết nối liên hoàn hạ tầng kinh tế cảng biển Chân Mây, Tiên Sa... Ngoài ra, tuyến đường sẽ giúp nối thông đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Quảng Trị và 2 tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan (sắp hoàn thành) cũng như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Thứ 2 là Dự án Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn. Đây là dự án đầu tiên thuộc “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam ở phía Đông. Dự án này có tiền thân là Dự án xây dựng tuyến đường kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với QL1 với tổng mức đầu tư khoảng 3.685 tỷ đồng; chiều dài toàn tuyến là 15,275km với quy mô 2 làn xe. Sau đó, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh, mở rộng thành cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, trong đó mở rộng từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe. Tổng nguồn vốn bổ sung thêm khoảng 1.607 tỷ đồng.
Đại diện chủ đầu tư của dự án là Sở GTVT tỉnh Ninh Bình. Hiện nay, dự án đã lựa chọn xong đơn vị tư vấn kỹ thuật và dự kiến sẽ lựa chọn nhà thầu vào đầu tháng 4 năm 2019; thời gian khởi công dự kiến từ 10/7/2019 đến 17/7/2019. Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn là một trong 3 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện bằng hình thức đầu tư công.
Nhiều dự án giao thông lớn sẽ triển khai và hoàn thành trong năm 2019 - Ảnh 2
Phối cảnh minh họa dự án cầu Mỹ Thuận 2
Thứ 3 là Dự án cầu Mỹ Thuận 2. Đây cũng là một dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công thuộc “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam. Theo hồ sơ thiết kế, Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có phần chính vượt sông Tiền nằm trên tuyến thẳng và cách cầu Mỹ Thuận khoảng 350m về phía thượng lưu sông Tiền. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 6,6km. Điểm đầu của dự án kết nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung. Điểm cuối của dự án nối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tại vị trí nút giao đầu tuyến QL80.
Dự án gồm 2 cầu lớn là cầu Mỹ Thuận 2 và cầu An Hữu cùng 3 cầu trung là cầu Rạch Sơn, Rạch Giồng và Mỹ Hưng 2. Ngoài ra, còn có một cống chui nối liền đường xuống phà. Tổng mức đầu tư của Dự án cầu Mỹ Thuận 2 khoảng 5.000 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đang tiến hành lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật, dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào giữa năm 2019.
Nhiều dự án sẽ hoàn thành trong năm 2019
Cũng trong năm 2019 hứa hẹn sẽ có nhiều dự án giao thông quan trọng được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đầu tiên có thể kể đến là Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội dự kiến khai thác thương mại vào đầu năm 2019. Hiện dự án chạy thử toàn bộ 13 đoàn tàu hàng ngày từ điểm đầu dự án là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đi hơn 13km trên cao tới Cát Linh (quận Đống Đa). Hiện nay, khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành hơn 96%. Một số công trình như các nhà ga, khu bảo dưỡng (Depot) được lắp đạt khoảng 83% thiết bị.
Nhiều dự án giao thông lớn sẽ triển khai và hoàn thành trong năm 2019 - Ảnh 3
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Trong thời gian này, dự án đang tiến hành chạy thử, căn chỉnh các hệ thống thiết bị chuyên ngành như thông tin, tín hiệu, cung cấp điện nhằm xác định thông số kỹ thuật công trình trước khi nghiệm thu. Khi đưa vào khai thác thương mại, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được kỳ vọng sẽ mang lại một diện mạo hoàn toàn mới cho giao thông đô thị của Hà Nội đồng thời góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông vốn đang nhức nhối của Thủ đô.
Các đoàn tàu được sử dụng tại tuyến có quy mô mỗi đoàn tàu có 4 toa dài khoảng 80m, sức chứa lên đến 1.000 hành khách. Khi vận hành, tàu chạy tốc độ trung bình 30 - 35km mỗi giờ. Thời gian đi từ điểm đầu đến điểm cuối hết khoảng 30 phút. Các đoàn tàu chạy giãn cách 10 - 12 phút mỗi chuyến và sẽ đạt 5 phút mỗi chuyến khi khai thác thương mại.
Một dự án khác sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2019 là Dự án hầm Cù Mông. Đây là dự án có tổng ốn đầu tư dự án gần 4.000 tỷ đồng, triển khai theo hình thức BOT. Ngoài tuyến hầm dài 2,6km còn có đường dẫn dài 4km, đạt vận tốc thiết kế 80km/h. Hầm chính gồm hai hầm đơn cách nhau khoảng 30m. Dự án được khởi công vào tháng 9/2015, điểm đầu tại km 1239+119 QL1 (thuộc tỉnh Bình Định), điểm cuối tại km 1247+739 QL1 (thuộc tỉnh Phú Yên).
Hiện khối lượng xây dựng hầm Cù Mông đạt 98%, đường dẫn phía Bắc và phía Nam đạt 95%, thiết bị trong hầm đã lắp đặt đạt 95%. Hầm Cù Mông sẽ được thông xe vào ngày 21/1/2019 và miễn phí cho các phương tiện lưu thông dịp Tết Nguyên đán. Việc Dự án Hầm Cù Mông được hoàn thành và đưa vào khai thác được kỳ vọng sẽ xóa điểm đen tai nạn giao thông trên đèo Cù Mông - là một trong những đèo núi hiểm trở nhất Việt Nam và rút ngắn quãng đường lưu thông giữa Bình Định và Phú Yên.
Nhiều dự án giao thông lớn sẽ triển khai và hoàn thành trong năm 2019 - Ảnh 4
Dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2.
Dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng sẽ là một dự án “về đích” trong năm 2019. Đây là dự án có tổng chiều dài 29km điểm đầu Km 182+300 tại nút giao Pháp Vân, điểm cuối tại Km 211+256 (Km 211+000 của tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình). Dự án được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư ban đầu 6.731 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 là 1.973 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 4.757 tỷ đồng.
Dự án khởi công giai đoạn 1 từ năm 2014, sau đó được nâng cấp mở rộng vào năm 2015. Giai đoạn 2 của dự án sẽ mở rộng quy mô đường từ 4 làn xe lên 6 làn xe. Hiện các hạng mục thi công của giai đoạn 2 đã cơ bản hoàn thành. Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ hệ thống ATGT, đường gom và xử lý lún các vị trí đầu cầu, đầu cống. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác toàn tuyến với quy mô 6 làn xe cao tốc trong đầu năm 2019, góp phần giải tỏa ách tắc cho tuyến đường cửa ngõ phía Nam Thủ đô.
Ngoài ra, trong năm 2019, Bộ GTVT cũng sẽ khởi công xây dựng nhiều dự án giao thông quan trọng khác. Có thể kể đến như Dự án cải tạo, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp; Dự án nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự; Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên tuyến QL24,…
Bên cạnh đó, việc triển khai đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng đang được Bộ GTVT và các cơ quan liên quan khẩn trương đẩy mạnh tiến độ. Đây đều là những công trình giao thông quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với việc thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên cả nước.