Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều dự án NƠXH không được phê duyệt quy hoạch vì lo tăng dân số cục bộ

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay cả nước chỉ có 18 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) được triển khai đầu tư xây dựng, những vướng mắc về thủ tục hành chính dẫn đến việc cơ quan quản lý Nhà nước chậm trễ trong công tác phê duyệt quy hoạch dự án.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án NƠXH, nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, với khoảng 156.000 căn, tổng diện tích hơn 7,8 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai xây dựng 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn hộ, với tổng diện tích gần 23 triệu m2.

Tuy nhiên, so với nhu cầu rất lớn về của người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp thì kết quả chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Thời gian qua, mặc dù nhận được sự quan tâm đặc biệt nhưng công tác phát triển NƠXH vẫn diễn ra chậm, không đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2020, cả nước mới chỉ hoàn thành được khoảng 41% mục tiêu về xây dựng NƠXH.

Việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho các dự an NƠXH diễn ra chậm do cơ quan quản lý Nhà nước lo ngại vướng mắc về pháp lý.
Việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho các dự an NƠXH diễn ra chậm do cơ quan quản lý Nhà nước lo ngại vướng mắc về pháp lý.

Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, chủ đầu tư các dự án NƠXH gặp nhiều vướng mắc, như chưa được vay ưu đãi nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%; quy trình thủ tục đầu tư dự án NƠXH của doanh nghiệp tư nhân lại rắc rối hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại. Ngoài ra, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 100/2015/NĐ-CP thì chủ đầu tư dự án NƠXH được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên tối đa 1,5 lần.

“Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền 'không dám' phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án NƠXH do lo ngại tăng dân số cục bộ, không phù hợp với quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt. Từ đó, dẫn đến hồ sơ không được giải quyết kịp thời do phải chờ đợi thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 rất nhiêu khê” - ông Lê Hoàng Châu cho hay.

Cũng theo đại diện HoREA, sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ của các dự án NƠXH. Cả giai đoạn 2016 - 2020 nhu cầu nguồn vốn cho NƠXH cần khoảng 9.000 tỷ đồng, nhưng thực tế Nhà nước mới chỉ bố trí được trên 3.000 tỷ đồng. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua việc sử dụng gói tài chính 350.000 tỷ đồng trong hai năm 2022 - 2023 để hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong đó dành 15.000 tỷ đồng để phát triển NƠXH.

“Mặc dù đây là nguồn lực rất tốt, nhưng tôi cho rằng Nhà nước cần bố trí nguồn vốn trung hạn cho phát triển NƠXH trong mỗi giai đoạn 5 năm. Riêng đối với phần vốn đã được thông qua thì cần phải thực hiện tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cấp tín dụng ưu đãi NƠXH” - ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.

Ngoài ra, đại diện HoREA còn kiến nghị thêm về việc cho phép các cá nhân, hộ gia đình đã ký hợp đồng mua, thuê mua NƠXH phải vay thương mại với lãi suất cao được phép thanh lý hợp đồng vay để chuyển sang vay vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nhằm mục đích tăng lượng giải ngân gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng.