Ngày 15/10, Hội Khuyến học và Hội Nữ trí thức TP Hà Nội phối hợp tổ chức tọa đàm “Một số giải pháp khuyến khích HSSV vượt khó học giỏi” với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý và các cấp chính quyền cơ sở.
Những khó khăn, thách thức
Đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn, việc vươn lên để tiếp tục học tập và học giỏi không chỉ đòi hỏi trí lực mà còn cần rất nhiều nghị lực và nguồn lực xã hội.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) phân tích, làm rõ những loại khó khăn mà HSSV gặp phải và đối mặt; đó là khó khăn kinh tế, khó khăn sức khỏe (bao gồm sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần).
Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền, trong môi trường học tập hiện nay, nhiều HSSV gặp khó khăn về kinh tế, điều kiện gia đình hoặc những biến cố ảnh hưởng đến tâm lý. Những khó khăn này có thể gây cản trở cho quá trình học tập và phát triển của các em.
Bàn sâu về những khó khăn của HSSV, TS Ngô Thị Kim Dung, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, có 4 loại khó khăn điển hình HSSV thường gặp phải. Đầu tiên là khó khăn về tài chính, đây được xem là rào cản lớn nhất của HSSV, nhất là những em đến từ các gia đình có thu nhập thấp. Tiếp đến là khó khăn về ngoại hình, bởi ngoại hình và sức khỏe là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự tự tin, khả năng hòa nhâp của HSSV trong môi trường học tập và xã hội. Thực tế cho thấy, tác động tâm lý đến từ ngoại hình khiến nhiều em giảm động lực, không muốn giao tiếp và có xu hướng sống thu mình.
HSSV khuyết tật cũng gặp những khó khăn điển hình. Với đối tượng này, hành trình đến với tri thức là thử thách không chỉ về học tập và còn về hòa nhập xã hội, tiếp cận môi trường học đường. Ngoài ra, HSSV đến từ các vùng kém phát triển và lạc hậu cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại.
"Để các HSSV khó khăn vẫn vươn lên học giỏi thì xã hội, gia đình, thầy cô cần làm gì để giúp đỡ các em về vật chất lẫn tinh thần; trong thời gian trước mắt và lâu dài là một bài toán khó. Chỉ khi các em ổn định tinh thần, nỗ lực trong học tập thì sau này mới có thể tự tin để lập thân, lập nghiệp", PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội nêu vấn đề.
Tạo lập phong cách sống “5 tự”
Dưới góc độ giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm đưa ra giải pháp chung để bất cứ học sinh nào cũng có thể vận dụng và thay đổi cuộc đời, đó là học sinh phải có văn hóa phát triển bản thân, có phong cách sống “5 tự” (tự học, tự chủ, tự tin, tự trọng và tự chịu trách nhiệm).
Mỗi em phải xác định được động lực sống, mục tiêu sống, luôn đổi mới để hôm nay tiến bộ hơn hôm qua. Cùng với đó, phải tận tâm với sự nghiệp của bản thân, làm cho trí sáng, thân khỏe, tâm an. Muốn tiến bộ phải học hỏi, học mọi nơi, mọi lúc, biết hợp tác với mọi người để thành công trong mọi công việc luôn có ý thức bài trừ cái xấu, hạn chế của bản thân để hoàn thiện nhân cách, có được niềm tin của mọi người; luôn gắn sự nghiệp của mỗi người với gia đình, bạn bè, quê hương, đất nước và phải biết cống hiến cho cộng đồng.
Để động viên, khuyến khích HSSV vượt khó vươn lên trong học tập, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh chia sẻ: thời gian qua, huyện Ba Vì đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt trong công tác khuyến học khuyến tài; chú trọng xây dựng môi trường học tập thân thiện và an toàn; tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện và các mạnh thường quân phát triển quỹ học bổng dành riêng cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn (ngoài việc tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội). Phong trào Học tập suốt đời trong cộng đồng được UBND huyện rất quan tâm. Đặc biệt, UBND huyện đã xây dựng phong trào “Tiếng trống học bài”, không chỉ tạo điều kiện, động lực học tập mạnh mẽ cho học sinh mà còn lan tỏa tinh thần học tập trong toàn xã hội, xây dựng một văn hóa học tập bền vững.
Bên cạnh việc hỗ trợ về vật chất, việc khen thưởng, động viên tinh thần; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục cũng được UBND huyện Ba Vì quan tâm thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền nêu một số giải pháp khuyến khích HSSV vượt khó, học giỏi mà đơn vị đã và đang áp dụng, gồm: thành lập và duy trì các quỹ học bổng; hỗ trợ tài chính khác (như tặng xe đạp, đồ dùng học tập trong các dịp sơ tổng kết, dịp tri ân, kỷ niệm), hỗ trợ vay vốn học tập cho HSSV; tạo môi trường học tập và rèn luyện cho các em (tổ chức các lớp học thêm miễn phí; thành lập các phòng tư vấn học đường để tư vấn, hỗ trợ học sinh gặp khó khăn về tâm lý); động viên khen thưởng kịp thời; tăng cường kết nối với cộng đồng doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch Hội Khuyến học TP Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh, những giải pháp vĩ mô, cụ thể được đóng góp tại buổi tọa đàm có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng chính sách, góp phần giúp công tác khuyến học - khuyến tài đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.