Nhiều giải pháp quyết liệt thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình trạng nợ đóng BHXH có biểu hiện gia tăng. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là việc tăng cường thanh, kiểm tra tại các đơn vị nhằm đôn đốc thu, giảm nợ BHXH, đảm bảo quyền lợi cho người lao động (NLĐ).

Thanh, kiểm tra ngay từ đầu năm
Ngay từ đầu năm 2021, công tác thanh, kiểm tra luôn được BHXH quận Hà Đông chú trọng. Tính đến hết tháng 3/2021, BHXH quận đã thanh, kiểm tra 41 cuộc với số tiền thu hồi được sau thanh, kiểm tra là 3,6 tỷ đồng/6,3 tỷ đồng tiền nợ (đạt 57%). Số tiền thu hồi chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau kiểm tra là 21 triệu đồng. BHXH quận đã lập hồ sơ chuyển sang cơ quan công an đối với 2 đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), cố tình không phối hợp trong công tác thanh tra là Công ty CP Gỗ BKG và Công ty CP Đầu tư BKG Việt Nam.
 Các đơn vị sử dụng lao động ký biên bản công bố Quyết định thanh tra. Ảnh: BHXH Hà Nội
Giám đốc BHXH quận Hà Đông Lê Thành Long cho biết, để khắc phục tình trạng nợ đóng BHXH, từ nay đến cuối năm 2021, BHXH quận Hà Đông tiếp tục thực hiện các biện pháp, giải pháp quyết liệt nhằm giảm tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN. Bên cạnh đó, BHXH quận cũng tăng cường thanh, kiểm tra nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng về BHXH, BHTN, BHYT của NLĐ trên địa bàn.
“Đặc biệt, từ ngày 26/4 đến hết ngày 24/5, Đoàn Thanh tra chuyên ngành sẽ thanh tra tại 20 đơn vị trên địa bàn quận có hành vi chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT. Đoàn Thanh tra yêu cầu các đơn vị được kiểm tra chủ động, tự giác chấp hành nộp đầy đủ số tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT. Với những đơn vị cố tình vi phạm, Đoàn thanh tra sẽ thanh tra đúng trình tự, quy trình, thủ tục làm căn cứ để chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định điều 216 Bộ Luật Hình sự 2015” - ông Long nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Đàm Thị Hòa cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, công tác đôn đốc thu nợ BHXH tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, tình trạng nợ đóng BHXH có biểu hiện tăng lên. Tính đến hết tháng 3/2021, toàn TP có 78.808 đơn vị nợ với tổng số tiền nợ BHXH, BHYT tính đến nay là hơn 5.636 tỷ đồng, chiếm 10,66% tổng số phải thu, tăng 1.214,4 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tính nợ BHXH phải tính lãi thì số tiền nợ là hơn 1.904 tỷ đồng, tăng 598,3 tỷ đồng so với năm 2020.

“Tình trạng nợ đóng BHXH gia tăng là do dịch Covid-19 làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều DN không cân đối được nguồn tiền để đóng BHXH cho NLĐ. Mặt khác, một số đơn vị, DN không chấp hành nghiêm quy định, cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng BHXH không đúng mức quy định… Đáng nói, tính đến tháng 3/2021, có tới 10.409 đơn vị ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể với số tiền nợ là hơn 1.236 tỷ đồng chiếm 21,9% tổng số tiền nợ” - bà Hòa nêu.

Khởi tố doanh nghiệp cố tình vi phạm

Đưa ra một số biện pháp tăng cường thanh tra đối với DN nợ đọng BHXH, BHYT, Phó Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn Thúy Hằng cho rằng, với các đơn vị chưa hoàn thành việc nộp BHXH đề nghị TP không vinh danh, khen thưởng, không cho tham gia đấu thầu và đầu tư dự án của TP. Đặc biệt, trong quá trình thanh kiểm tra, BHXH TP, và các quận, huyện phát hiện hành vi nợ đóng, trốn đóng, gian lận BHXH, tập hợp hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan Công an xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.
Bên cạnh đó, Thanh tra TP tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra các DN nợ đọng BHXH, BHYT, song song với việc đôn đốc, vận động, thuyết phục các đơn vị, DN chủ động khắc phục tình trạng nợ BHXH. Nếu đơn vị nào cố tình nợ đóng BHXH sẽ bị xử lý nghiêm.

Đồng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Viên Viết Hùng cho hay, nhờ công tác phối hợp trao đổi cung cấp thông tin, thanh, kiểm tra thuế kết hợp kiểm tra việc trích nộp BHXH, tính đến tháng 3/2021, Cục thuế Hà Nội đã thanh, kiểm tra việc trích nộp BHXH của 436 DN trên địa bàn TP. Trong đó, 99 đơn vị vi phạm, có dấu hiệu vi phạm về BHXH. Qua đôn đốc nợ BHXH, đến nay, số tiền đã nộp là hơn 7,83 tỷ đồng.
Nhìn chung, qua thông tin dữ liệu do cơ quan thuế khai thác, cơ quan BHXH có cơ sở để kịp thời đôn đốc và cập nhật các DN mới hoạt động đưa vào khai thác tăng thu, đồng thời kịp thời khoanh nợ và có giải pháp quản lý những DN còn nợ BHXH nhưng cố tình nghỉ bỏ, không hoạt động.

“Thời gian tới, 2 cơ quan tiếp tục tổ chức đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, cử các cán bộ có kinh nghiệm tham gia các đoàn liên ngành trong thanh, kiểm tra việc trích nộp BHXH, BHYT” - ông Hùng cho hay.

Đề cập đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu nợ BHXH, BHYT, BHTN. “Công an TP chỉ đạo Công an huyện điều tra, xác minh, khởi tố những đơn vị, DN cố tình nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT. Đồng thời, cơ quan Công an phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân khẩn trương đưa ra truy tố, xét xử án điểm để răn đe, ngăn chặn đối với những DN cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT cho NLĐ”- Phó Chủ tịch UBND TP chỉ rõ.

3 tháng đầu năm 2021, BHXH TP đã thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN tại 19 đơn vị, phối hợp thanh, kiểm tra liên ngành tại 107 đơn vị, kiểm tra tại 107 đơn vị sử dụng lao động và 30 đại lý thu, đại diện chi trả. BHXH TP đã thực hiện 304 cuộc thanh kiểm tra (đột xuất) khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN và đôn đốc khắc phục nợ, trong đó đã phối hợp với Công an TP kiểm tra tại 34 đơn vị. Kết quả sau thanh kiểm tra, số tiền các đơn vị đã nộp vào tài khoản thu của cơ quan BHXH để khắc phục nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN là 74,3 tỷ đồng/98,7 tỷ đồng, đạt 75,3%.