Nhiều giải pháp xây dựng mô hình Công dân học tập

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong 2 ngày 2 và 3/11, Hội khuyến học các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng (Cụm III) tổ chức hội nghị giao ban công tác khuyến học; tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm xây dựng mô hình Công dân học tập.

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị

Thời gian qua, các tỉnh thành thuộc Cụm 3 (Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc) đã hoàn thành tốt công tác Hội: củng cố phát triển hội viên, xây dựng mô hình học tập, kiểm tra giám sát, xây dựng quỹ khuyến học các cấp…. Tính đến thời điểm này, các tỉnh thành cơ bản hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, trọng tâm công tác của Hội năm 2023.

Tuy nhiên, hoạt động công tác khuyến học vẫn còn một số khó khăn như kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, thiếu cơ sở vật chất, điều kiện làm việc; chính sách về khuyến học nhiều nơi chưa thực hiện, chưa được quan tâm đúng mức, bộ công cụ đánh giá mô hình công dân học tập chưa thống nhất; nhận thức về vị trí và tầm quan trọng của công tác khuyến học còn hạn chế.

Hội khuyến học các tỉnh thành Cụm 3 kiến nghị TƯ Hội tiếp tục tham mưu Chính phủ gắn bộ tiêu chí các danh hiệu học tập với văn hóa xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phối hợp Bộ Tài chính hướng dẫn thống nhất trong toàn quốc về chính sách, cơ chế hoạt động cho Hội…

Nhiều ý kiến tâm huyết vể đẩy mạnh hiệu quả xây dựng mô hình Công dân học tập được đưa ra
Nhiều ý kiến tâm huyết vể đẩy mạnh hiệu quả xây dựng mô hình Công dân học tập được đưa ra

Báo cáo về công tác khuyến học, khuyến tài TP Hà Nội năm 2023, Chủ tịch Hội Khuyến học TP Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết: Tính đến tháng 10/2023, toàn TP có 60 tổ chức thành viên, 579 Hội khuyến học cấp xã, phường, thị trấn; 6.591 chi hội; 11.511 Ban khuyến học với hơn 1,6 triệu hội viên. Chất lượng hoạt động của các tổ chức hội và hội viên từng bước được nâng lên rõ rệt. Đa số hội viên đã nỗ lực thực hiện và tham gia vận động Nhân dân cùng thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và nhiều phong trào thi đua ở địa phương.

Công tác xây dựng quỹ khuyến học luôn được các cấp Hội tại Hà Nội quan tâm, đến nay đã vận động, kêu gọi ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài với tổng số tiền trên 21 tỷ đồng. Điểm mới năm 2023 của Hội Khuyến học TP Hà Nội là đã tổ chức hội nghị gặp mặt cán bộ khuyến học, viết bài và thuyết trình giỏi về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Với tỉnh Vĩnh Phúc, nổi bật là mức chi khuyến học dành tặng cho các học sinh, giáo viên có thành tích xuất sắc trong các kỳ thi với mức thưởng cao nhất là 100 triệu/người.

Nhằm nâng cao chất lượng xây dựng mô hình “Công dân học tập”, đại diện Hội khuyến học tỉnh Hà Nam cho rằng, cần tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua học tập thường xuyên, học tập suốt đời cho người lớn, không phân biệt lứa tuổi, thành phần kinh tế theo nhu cầu “cần gì học nấy”, học mọi lúc mọi nơi và phù hợp với từng lứa tuổi. Để làm được việc này cần sự tham gia phối hợp của các cơ sở đào tạo, DN, người sử dụng lao động…

Hội khuyến học Hà Nội nêu 7 giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường tập huấn cho cán bộ khuyến học; thường xuyên tổ chức tọa đàm, hội thảo để rút kinh nghiệm về biện pháp xây dựng mô hình Công dân học tập đảm bảo theo Bộ tiêu chí của TƯ Hội; kịp thời khen thưởng, biểu dương, tôn vinh, lan tỏa những tấm gương, mô hình học tập tiêu biểu.

Cùng với đó, Hội khuyến học các tỉnh thành trong Cụm 3 cũng chia sẻ phương hướng, nhiệm vụ và nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác khuyến học, xây dựng mô hình Công dân học tập ở các địa phương, đơn vị.