Doanh nghiệp tuần qua:

Nhiều gương mặt lọt top lớn nhất thế giới, ngân hàng thay nhân sự cao cấp

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tuần qua (9/5- 13/5) là tuần khó khăn khi thị trường chứng khoán lao dốc không phanh kéo giá trị vốn hóa nhiều doanh nghiệp “bốc hơi” nhiều chục tỷ đồng. Đây cũng là tuần DN Việt có nhiều tin tức được dư luận và nhà đầu tư quan tâm.

Việt Nam có 5 đại diện góp mặt trong Global 2000

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách Global 2000 năm 2022 bao gồm 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Việt Nam có 5 đại diện gồm: Vietcombank, Vietinbank, Hòa Phát, BIDV và Techcombank.

Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất duy nhất trong 5 "ông lớn" Việt lọt danh sách Global 2000
Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất duy nhất trong 5 "ông lớn" Việt lọt danh sách Global 2000

Forbes thu thập số liệu tài chính mới nhất tính đến ngày 22/4/2022 để xếp hạng các doanh nghiệp trên toàn cầu theo 4 tiêu chí là doanh thu, lợi nhuận thuần, tổng tài sản và giá trị thị trường. Các doanh nghiệp trong danh sách Global 2000 năm nay có tổng doanh thu khoảng 47.600 tỷ USD, tổng lợi nhuận 5.000 tỷ USD, tổng tài sản 233.700 tỷ USD và tổng vốn hóa 76.500 tỷ USD. Những cái tên này đến từ 58 quốc gia, Mỹ đóng góp nhiều nhất với 590 đại diện, theo sau là Trung Quốc và Hong Kong với 351, Nhật Bản có 196. 

Trong 5 gương mặt doanh nghiệp Việt Nam có mặt trong danh sách này, Tập đoàn Hòa Phát có doanh thu và lợi nhuận lớn nhất và là doanh nghiệp sản xuất duy nhất.

Năm 2021, Hòa Phát ghi nhận 150.800 tỷ đồng doanh thu và lần đầu cán mốc lợi nhuận ròng 34.520 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 65% và 156% so với năm 2020. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần năm 2021 đạt 23%. Tổng nộp ngân sách Nhà nước trong năm là 12.500 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ.

Trong quý I/2022, Tập đoàn Hòa Phát đạt 44.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 17% so với Quý I/2021. Tổng tài sản tại cuối tháng 3/2022 là 185.847 tỷ đồng.

NCB: Bổ nhiệm nhân sự cao cấp, bà Lệ Hà thôi chức Quyền Tổng Giám đốc theo nguyện vọng cá nhân

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa công bố quyết định của Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao. 

Ông Nguyễn Đình Tuấn – Phó Tổng Giám đốc thường trực NCB
Ông Nguyễn Đình Tuấn – Phó Tổng Giám đốc thường trực NCB

Việc bổ sung nguồn lực, củng cố đội ngũ Ban điều hành (BĐH) sẽ giúp NCB thúc đẩy tái cấu trúc mạnh mẽ, tăng trưởng và phát triển, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho Ngân hàng cũng như lợi ích của các cổ đông, nhà đầu tư. Theo đó, từ ngày 13/05/2022, ông Nguyễn Đình Tuấn sẽ đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực NCB.

Ông Nguyễn Đình Tuấn sinh ngày 7/11/1980, trình độ Thạc sĩ Kinh tế Đại học Kinh tế Quốc Dân. Ông Tuấn có 15 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý tại Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Bộ Giao thông Vận tải), Ngân hàng TMCP An Bình, Ngân hàng TMCP Quốc Dân.

Trước khi được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực NCB, ông Tuấn đã có thời gian 8 năm gắn bó với NCB và trải qua nhiều vị trí quan trọng như: Giám đốc Chi nhánh Bắc Ninh, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Giám đốc Vùng Hà Nội và gần đây nhất là Phó Tổng Giám đốc.

Đồng thời, HĐQT NCB cũng ra quyết định thôi đảm nhiệm chức danh Quyền Tổng Giám đốc theo nguyện vọng cá nhân của bà Dương Thị Lệ Hà, và giao bà Hà đảm nhận vị trí Phó Tổng Giám đốc NCB.

Như vậy, tính đến ngày 13/5/2022, BĐH NCB gồm có: ông Nguyễn Đình Tuấn – Phó Tổng Giám đốc thường trực và 4 Phó Tổng Giám đốc gồm: bà Dương Thị Lệ Hà, bà Hoàng Thu Trang, bà Lê Kim Chi, bà Nguyễn Thị Thùy Dương.

Trước đó, cuối tháng 3, Sun Group đã khẳng định sự hiện diện lớn hơn tại NCB khi Công ty TNHH Đầu tư Tập đoàn Mặt trời- một DN trong hệ sinh thái Sun Group đã tham gia mua cổ phiếu NCB trong đợt phát hành cổ phần của ngân hàng với giá 10.000 đồng/cp, chỉ bằng 1/3 thị giá.

Cụ thể, NCB đã công bố kết quả chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền thu về là 1.500 tỷ đồng. Hơn 148,5 triệu cổ phiếu đã được bán ra cho 533 nhà đầu tư, gồm 515 nhà đầu tư trong nước mua và 18 nhà đầu tư nước ngoài.  Hơn 1,47 triệu cổ phiếu chưa được phân phối hết của đợt chào bán này đã được phân phối lại cho 2 nhà đầu tư tổ chức là Công ty chứng khoán Everest và Công ty TNHH Đầu tư tập đoàn Mặt Trời. Mỗi nhà đầu tư được mua 737.444 cổ phiếu. 

Sau giao dịch, công ty cổ phần chứng khoán Everest và người liên quan bà Vũ Hải Anh, ông Trần Đình Lợi sở hữu hơn 26,8 triệu cổ phần, tương đương 4,79% vốn ngân hàng. Công ty TNHH Đầu tư Tập đoàn Mặt trời sở hữu 827.780 cổ phiếu, tương đương 0,15% vốn cổ phần.

Từ tháng 4/2021, Sun Group đã có sự hiện diện tại NCB khi bà Bùi Thanh Hương, Tổng Giám đốc Sun Group đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT NCB sau ĐHCĐ. Tháng 10/2021, Tập đoàn Sun Group và NCB cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện, đánh dấu khởi đầu mới trong mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai bên. 

Kienlongbank: Lợi nhuận quý 1/2022 giảm hơn 80% so cùng kỳ năm trước

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của KienlongBank quý 1/2022 giảm 423.455 triệu đồng, tương đương giảm 80,7% so với quý 1/2021.

Sau năm 2021 kinh doanh kết quả đột biến khi xuất hiện nhóm cổ đông mới, quý I/2022, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Kienlongbank giảm hơn 80% so cùng kỳ
Sau năm 2021 kinh doanh kết quả đột biến khi xuất hiện nhóm cổ đông mới, quý I/2022, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Kienlongbank giảm hơn 80% so cùng kỳ

Theo giải trình KienlongBank gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX, trong quý I/2021, vì thực hiện đề án tái cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước nên ngân hàng có ghi nhận thu nhập đột biến từ việc thu hồi nợ gốc và lãi của các khoản cho vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB). Chủ yếu là vì mất đi các khoản thu nhập đột biến kể trên mà lợi nhuận ngân hàng quý 1 năm nay có sự sụt giảm mạnh. 

Thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 443,5 tỷ. Các mảng kinh doanh khác bao gồm: Hoạt động dịch vụ có lãi 65 tỷ, tăng trưởng 67,7% so quý I năm ngoái; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 30,2 tỷ, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước; chứng khoán đầu tư lãi 11,1 tỷ; các hoạt động kinh doanh khác lãi 2,7 tỷ. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 552,5 tỷ. Chi phí hoạt động quý đầu năm của Kienlongbank ở mức 331,8 tỷ, tăng 27,3%; Chi phí dự phòng rủi ro tăng từ mức 34 tỷ lên 94 tỷ (tăng 60 tỷ).

Tại thời điểm 31/3/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt 80.844 tỷ đồng; Dư nợ cho vay khách hàng ở mức 36,2 nghìn tỷ; Tiền gửi khách hàng 52.419 tỷ đồng

Hiện, 3 nhóm cổ đông lớn đang sở hữu Kienlongbank là nhóm liên quan đến Tập đoàn Sunshine, nhóm liên quan đến ông Mai Hữu Tín và nhóm cổ đông liên quan đến “bầu” Thắng Đồng Tâm.

Đến nay, Đồng Tâm Group đang giảm dần sự hiện diện tại ngân hàng này. Ngày 12/4/2022, Hội đồng quản trị KienLongBank thông qua quyết định miễn nhiệm Phó tổng giám đốc đối với ông Võ Quốc Lợi- con trai “bầu” Thắng. Ông Võ Quốc Lợi, sinh năm 1988, được bổ nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc KienLongBank từ ngày 4/1/2021.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần