Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều hạn chế trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại huyện Thường Tín

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khi triển khai Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2023 đến nay đã gần một tháng, tuy nhiên huyện Thường Tín vẫn chưa test nhanh, kiểm nghiệm chất lượng bất cứ mẫu thực phẩm nào. Hàng chục cơ sở được xác định có vi phạm nhưng không bị xử lý.

Tỷ lệ xử phạt cơ sở vi phạm còn thấp

Theo thống kê của Phòng Y tế huyện Thường Tín, trên địa bàn huyện có 2.218 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể. Ngoài ra còn có 2 siêu thị, 21 chợ buôn bán nông sản, thực phẩm đang hoạt động.

Triển khai Tháng hành động Vì ATTP năm 2023, huyện Thường Tín đã tổ chức lễ phát động, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, đã thành lập 1 đoàn liên ngành tuyến huyện và 29 đoàn tuyến xã, thị trấn, tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở thực phẩm. 

Đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội kiểm tra việc chấp hành quy định ATTP tại một hợp tác xã trên địa bàn huyện Thường Tín. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội kiểm tra việc chấp hành quy định ATTP tại một hợp tác xã trên địa bàn huyện Thường Tín. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Từ giữa tháng 4/2023 đến nay, các đoàn liên ngành tuyến huyện, xã - thị trấn đã tiến hành kiểm tra đối với 196 cơ sở. Trong đó, ghi nhận 179 cơ sở đảm bảo các quy định về ATTP; còn lại 17 cơ sở có vi phạm.

Đáng chú ý, trong số 17 cơ sở có vi phạm, cơ quan chức năng của huyện chỉ xử phạt 2 trường hợp, với tổng số tiền 7,5 triệu đồng. So với phần lớn quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội, tỷ lệ số cơ sở được kiểm tra và số cơ sở bị xử phạt của huyện Thường Tín được đánh giá là thấp.

Cùng với tỷ lệ kiểm tra, xử phạt thấp, đến nay đã sau gần 1 tháng triển khai Tháng hành động Vì ATTP năm 2023, tuy nhiên, huyện Thường Tín vẫn chưa tiến hành được việc lấy mẫu thực phẩm để test nhanh, kiểm nghiệm chất lượng. Đây cũng là hạn chế của huyện so với các địa phương khác trên địa bàn Hà Nội.

Nâng cao ý thức trách nhiệm

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, dù luôn quan tâm và chủ động trong công tác bảo đảm ATTP, tuy nhiên kết quả của công tác này vẫn chưa được như kỳ vọng. Vấn đề quản lý ATTP của địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn do số lượng cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm lớn. 

 

Liên quan đến việc hiện nay địa phương chưa thực hiện test nhanh mẫu thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản kiến nghị TP Hà Nội đầu tư kinh phí, trang thiết bị, test xét nghiệm nhanh đánh giá chất lượng thực phẩm phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP.

Số lượng cơ sở lớn nhưng điều kiện vật chất lại hạn chế. Việc kiểm soát độ an toàn và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm tại các chợ còn gặp không ít khó khăn. Các hộ kinh doanh cũng chưa quan tâm đến việc lưu giữ hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm…

Tại cuộc làm việc với huyện Thường Tín mới đây, Phó Trưởng đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội Hà Tiến Nghi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội, đánh giá công tác chỉ đạo của huyện trong triển khai Tháng hành động Vì ATTP năm 2023 là khá chủ động. Đặc biệt là kết quả tuyên truyền các nội dung về Tháng hành động.

Dù vậy, đối với công tác kiểm tra, ông Hà Tiến Nghi đánh giá tỷ lệ số cơ sở được kiểm tra hiện đạt thấp so với tổng số cơ sở đang hoạt động trên địa bàn huyện. Điều đáng nói là số cơ sở được kiểm tra ít nhưng vi phạm trên tổng số cơ sở được kiểm tra lại rất nhiều. Đây là vấn đề mà chính quyền địa phương cần hết sức quan tâm.

Trong thời gian tới, Phó Trưởng đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội đề nghị huyện quan tâm hơn nữa đến công tác chỉ đạo bảo đảm ATTP. Trong đó, cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các vi phạm. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm trong sản xuất - kinh doanh an toàn và thay đổi hành vi của người tiêu dùng nông sản, thực phẩm.