Nhiều hàng lậu trong các lô hàng Trung Quốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến ngày 30/4, qua kiểm tra hơn 50% số container hàng tồn đọng tại các cửa khẩu cảng biển TP.HCM, cơ quan Hải quan đã phát hiện có một số container chứa hàng nhập lậu.

Hơn 26% là hàng lậu

Theo Cục Hải quan TP.HCM, sau hơn 2 tuần thực hiện Kế hoạch số 84/KH-TCHQ ngày 11-4-2014 của Tổng cục Hải quan đối với hàng bách hóa Trung Quốc tồn đọng tại các cảng TP.HCM, tính đến ngày 30-4, Cục Hải quan TP.HCM đã phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu –Tổng cục Hải quan thực hiện kiểm tra, khám xét được 52/102 container, chiếm tỷ lệ hơn 50%. Trong đó, thực hiện khám xét 10 container; số container phát hiện có vi phạm 14; chiếm tỷ lệ 26,9% trên tổng số container đã kiểm tra.

Các Chi cục thường xuyên đôn đốc doanh nghiệp tích cực thực hiện việc xem hàng trước khai báo hải quan và xuất trình hàng hóa để công chức hải quan kiểm tra thực tế.
Nhiều hàng lậu trong các lô hàng Trung Quốc - Ảnh 1
Phần lớn các doanh nghiệp có liên quan đến các container hàng tồn đều có mặt và sẵn sàng chấp hành theo yêu cầu của Tổ công tác, các đơn vị khai thác cảng nhiệt tình hỗ trợ cho Tổ công tác triển khai kế hoạch. Các đơn vị tham gia Tổ công tác tại các địa bàn phối hợp chặt chẽ trong việc tham gia thực hiện Kế hoạch.

Trong quá trình triển khai kế hoạch trên cũng đã phát sinh một số vướng mắc, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 do khu vực bãi kiểm tra tập trung hẹp, tình hình thời tiết oi bức, diễn biến khó lường (có khả năng đổ mưa bất chợt) nên việc triển khai có những khó khăn nhất định.

Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4, một số doanh nghiệp chưa đến làm thủ tục hải quan vì phí lưu container lưu bãi quá lớn, khoảng 50-60 triệu đồng/container (doanh nghiệp phải đóng các khoản phí hãng tàu mới chấp thuận giao cont để kiểm tra), doanh nghiệp viện lý do gặp khó khăn về tài chính nên chưa có tiền đóng các khoản phí này, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch.

Một số doanh nghiệp có lượng hàng tồn lớn phát sinh trên nhiều địa bàn, nên không đủ nhân viên để bố trí làm thủ tục, xuất trình hàng hoá cho cơ quan hải quan kiểm tra.

Việc xác định hành vi vi phạm, để áp dụng hình thức xử lý phù hợp cần phải tiến hành một số nghiệp vụ như: phân loại hàng hoá, giám định, xác định giá thuế… để có căn cứ lập biên bản vi phạm, nên khó đảm bảo đạt được tiến độ đặt ra.

Khám xét nếu DN không làm thủ tục

Theo Cục Hải quan TP.HCM, trong quá trình thực hiện Kế hoạch 84, tại cảng VICT còn tồn 14 container hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ tháng 12-2013. Trên vận đơn thể hiện người nhận hàng là Công ty TNHH Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt (địa chỉ 6-8 đường số 6, cư xá Bình Thới, phường 8, quận 11, TP.HCM) và Công ty TNHH Nhất Minh (71/61C Bình Tiên, phường 8, quận 6, TP.HCM).

Tuy nhiên, đến ngày 23-4-2014, chủ hàng là 2 doanh nghiệp nêu trên vẫn chưa đến làm thủ tục thông quan, mặc dù cơ quan Hải quan đã thực hiện các thủ tục thông báo theo quy định.

Ngày 24/4, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 Võ Văn Bông đã ban hành 2 quyết định khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính đối với 14 container của 2 doanh nghiệp nêu trên theo diện vắng chủ.

Đối với các container tồn còn lại hiện nay chủ hàng đã đến làm việc. Ban chỉ đạo Kế hoạch 84/KH-TCHQ đã triển khai quyết liệt các nội dung, biện pháp theo kế hoạch, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên các tổ công tác, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cố tình viện dẫn nhiều lý do khác nhau, không hợp tác đầy đủ với cơ quan Hải quan để xuất trình hàng hoá kiểm tra. Cục Hải quan TP.HCM chỉ đạo, các tổ công tác cần thực hiện các biện pháp đấu tranh quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới để hoàn thành kế hoạch. Trường hợp doanh nghiệp không mở tờ khai hải quan để làm thủ tục, Tổ công tác sẽ thực hiện lệnh khám xét.

Đối với các container hàng đã kiểm tra, khám xét, Tổ công tác khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành phân loại hàng hoá, giám định, xác định giá thuế… đảm bảo thu đúng thu đủ tiền thuế cho NSNN, xác định hành vi vi phạm, áp dụng hình thức xử lý phù hợp (nếu có).