70 năm giải phóng Thủ đô

Nhiều hạng mục tu sửa như xây mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu vườn tháp được tu bổ như xây mới.

Nhà ni tu sửa như xây mới; tháp cũ (300 tuổi), tháp mới (mới tu sửa 2015) lẫn lộn trong khu vườn tháp; xưởng gỗ trong khuôn viên di tích rập rình di chuyển - đó là những điều “chướng tai, gai mắt” đang xảy ra tại di tích cấp quốc gia chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội).

Vi phạm lại tái diễn

Năm 2012, sư thầy Thích Đàm Khoa – sư trụ trì chùa Trăm Gian đã từng khiến dư luận “dậy sóng” trước hành động tự ý phá dỡ nhà Tổ, gác khánh để xây mới các hạng mục này trong ngôi chùa có tuổi đời ngàn năm. Sau lần chót sai, tưởng như sư thầy sẽ rất hiểu về nguyên tắc tu bổ di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia; thế nhưng, đến nay, nhiều hạng mục vẫn đang được tu sửa mới, khập khiễng với nét cổ kính, rêu phong của các hạng mục gác chuông, bậc tam cấp… có từ đời vua Lý Cao Tông, tức năm 1185, khi mới lập chùa.
Khu vườn tháp được tu bổ như xây mới.
Kinhtedothi - Khu vườn tháp được tu bổ như xây mới.
Vượt lên hàng trăm bậc của quả đồi cao chừng 50m, đập vào mắt du khách khi ghé thăm ngôi chùa là khu vườn tháp phía trái được tu bổ như mới. Từ nền gạch lát, 2 tháp phía trước, tháp lễ công đồng đến tường đá xanh bao xung quanh đều được sửa chữa bằng các vật liệu mới. Phảng phất lại trong khu vườn tháp là 2 chiếc tháp phía sau, mà theo lời sư thầy Thích Đàm Khoa, có tuổi đời khoảng 300 – 400 năm.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, khác với lần tu bổ năm 2012, lần tu bổ vườn tháp này có sự thỏa thuận của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, phương án tu bổ chỉ dừng lại ở việc cho phép tu sửa 2 tháp bị hư hại nặng, 2 tháp hư hại nhẹ, xây phần tường bao bị đổ sau trận bão hồi tháng 9/2014. Công trình được liệt vào hạng mục tu bổ cấp thiết do nhà sư chịu trách nhiệm đầu tư từ nguồn tiền xã hội hóa và nguồn tiền khác, gần 400 triệu đồng. Song trên thực tế, sư trụ trì Thích Đàm Khoa thừa nhận: “Tôi xây lại một, còn một cái ốp lại cho đồng bộ, không phải đập ra xây mới”. Có nghĩa là từ khởi điểm có 4 tháp cho tu sửa, vườn tháp phía tay trái chùa Trăm Gian đã phát sinh thêm 2 tháp mới với lý do rước các vị sư Tổ về thờ tại vườn.

Ngoài công trình vườn tháp, vị sư trụ trì chùa Trăm Gian còn tự ý cơi nới, sửa mới khu nhà ni từ khu nhà 5 gian, thành nhà 6 gian khép kín từng phòng, trang bị lát gạch đẹp như khách sạn. Theo thỏa thuận tu bổ, khu nhà ni được Sở VH&TT Hà Nội cho phép đảo ngói, chống sập, chống dột. Thế nhưng, sư thầy Thích Đàm Khoa cho rằng, vì bức tường xấu xí nên ốp lại tường cho đỡ mốc và mở thêm các công trình phụ phía sau để có chỗ ở tử tế. Và thêm một lý do sửa nhà ni mà sư thầy đưa ra là để các sư về tham gia các khóa hạ (khóa an cư kiết hạ trong pháp tu hành của người xuất gia). Hơn nữa, khách thập phương về thăm chùa có nhiều Việt kiều nên sư thầy muốn tạo điều kiện cho du khách. Số tiền đầu tư của nhà ni cũng quá nửa tỷ đồng, do nhà sư trụ trì huy động từ nguồn tiền xã hội hóa.

Nếu tu sửa nhà ni, vườn tháp vi phạm gây bức xúc cho những người hiểu về nguyên tắc tu bổ di tích, thì việc dựng xưởng gỗ trong khuôn viên nhà chùa lại gây bất bình về tiếng ồn và môi trường cho người dân xung quanh. Hiện nay, theo phản ánh của người dân, như thông tin đã đăng trên báo Kinh tế & Đô thị ra ngày 23/9, chính quyền xã Tiên Phương, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Chương Mỹ, cùng Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội (thuộc Sở VH&TT) đã lập biên bản, yêu cầu nhà sư di dời xưởng gỗ ra khỏi khuôn viên di tích trước ngày 26/9. Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 23/9, xưởng gỗ đã bắt đầu được tháo bỏ, hàng loạt xe ô tô, xe công nông lần lượt chở gỗ dời khỏi ngôi chùa.

Liệu có được khắc phục?

Đại diện UBND xã Tiên Phương, bà Nguyễn Thị Minh - Phó Chủ tịch UBND xã đồng thời là Trưởng ban quản lý di tích chùa Trăm Gian thừa nhận có việc sai phạm trong tu bổ vườn tháp, nhà ni. Tuy nhiên, vi phạm mức độ tới đâu thì chưa nắm được vì bà Minh mới nhận chức vụ này từ hồi tháng 7/2015, trong khi, công trình đã được cấp phép tu bổ từ năm 2014. Hơn nữa, hồ sơ tu bổ chi tiết lại do Phòng Văn hóa Thông tin huyện Chương Mỹ quản lý. Ngày 10/9, UBND xã Tiên Phương đã tiến hành kiểm tra tại chùa và yêu cầu di dời xưởng gỗ khỏi nơi này để bảo vệ di tích.

Trước phản ánh của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về thực tế vi phạm tại chùa Trăm Gian, ông Đinh Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ đã yêu cầu Phòng Văn hóa Thông tin huyện kiểm tra, báo cáo lãnh đạo huyện trong ngày 23/9. Ông Hùng yêu cầu nếu có vi phạm, chính quyền địa phương và sư thầy phải kịp thời sửa chữa. Lãnh đạo huyện Chương Mỹ và xã Tiên Phương cùng Ban quản lý di tích chùa Trăm Gian sẽ giám sát chặt chẽ việc di dời xưởng gỗ ra khỏi di tích, không để tiếng ồn, bụi bặm còn vương vãi nơi đây. Hơn nữa, sau chuyến kiểm tra thực tế của cán bộ văn hóa Sở VH&TT Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Lợi – Phó Giám đốc Sở VH&TT cũng yêu cầu huyện báo cáo kết quả việc thực hiện tu bổ nhà ni, vườn tháp trước ngày 5/10.

Có thể thấy, sau bài học năm 2012, những người làm quản lý văn hóa tỏ ra rất nhanh nhạy trước những thông tin phản ánh về vi phạm nguyên tắc tu bổ tại chùa Trăm Gian.