Nhiều hồ chứa ở Tây Nguyên đã cạn nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tin từ Văn phòng Bộ NN&PTNT, chiều 24/3, tại Gia Lai, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã họp bàn với các địa phương Tây Nguyên về tình hình hạn hán.

Bộ NN&PTNT cho biết, mùa khô ở khu vực Tây Nguyên sẽ kéo dài đến hết tháng 4/2016. Mực nước trên các sông suối đã rất thấp. Lượng dòng chảy trên các sông chính liên tục thiếu hụt từ 20 - 70%, có nơi trên 90%. Trên sông ĐăkBla tại KonTum mực nước đạt 514,88m, được ghi nhận là mức thấp nhất lịch sử. 

Tại khu vực Tây Nguyên, các hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ chỉ còn 30 - 40% dung tích thiết kế, nhiều hồ thấp hơn cùng kỳ năm 2015. Đắk Lắk có 115 hồ đã cạn nước, dự kiến cuối tháng 3 khoảng 250 hồ nhỏ sẽ cạn nước. Tại Gia Lai, các hồ chứa chỉ đạt 10 - 50%. 

Tại Kon Tum, dung tích các hồ chứa chỉ đạt 30 - 50% dung tích thiết kế, có 5 hồ đã cạn nước. Tại Đắk Nông có 17 hồ chứa cạn nước, dự kiến sang tháng 4 khoảng 30 hồ chứa sẽ cạn nước. Phần lớn số hồ chứa nhỏ sẽ không đủ cung cấp cho giai đoạn cuối vụ Đông Xuân. 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Hạn nặng xảy ra ở những vùng chưa có công trình thủy lợi hoặc vùng có công trình thủy lợi nhỏ. Vùng này chiếm tới 70% diện tích canh tác, còn diện tích được tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi lớn chiếm khảng 30% diện tích. Theo báo cáo của các địa phương đến thời điểm này, toàn khu vực đã có 7.108ha lúa phải dừng sản xuất (chuyển đổi được 4.758ha sang trồng ngô, rau, đậu…), 8.403ha lúa và 40.137ha cà phê bị thiếu nước. Dự kiến, đến cuối tháng 3 nếu không có mưa, diện tích cây trồng chính bị hạn hán, thiếu nước lên tới 167.000ha, trong đó, diện tích lúa 14.600ha, 152.760ha cà phê bị ảnh hưởng. 

Về nước sinh hoạt, đã có gần 28.300 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt, gồm: Đắk Lắk 13.200 hộ, Gia Lai 7.000 hộ, Lâm Đồng 1.080 hộ… Thời gian tới, có khoảng 59.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, nặng nhất là Đắk Lắk 25.000 hộ, Đắk Nông 10.000 hộ, Lâm Đồng 7.000 hộ. 

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thuỷ văn, từ nay đến tháng 6 dòng chảy trên sông suối khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm, lượng mưa từ tháng 3 đến tháng 6/2016 thiếu hụt so với trung bình nhiều năm 30 - 50%. Lượng nước trong hồ chứa giảm thấp, nhiều hồ chứa sẽ hết nước. Lượng nước ngầm sẽ tiếp tục suy giảm, nguy cơ hạn hán sẽ diễn ra trầm trọng hơn.

Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ 3.650 tấn gạo cho 200.900 nhân khẩu thiếu đói giáp hạt năm 2016 theo đề xuất của các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk. Đồng thời xem xét hỗ trợ các địa phương kinh phí phòng chống hạn đợt 2, với tổng kinh phí 658 tỷ  đồng, trong đó 5 tỉnh Tây Nguyên là 115,2 tỷ đồng và đề xuất bổ sung của các địa phương để sửa chữa, nâng cấp 48 công trình thuỷ lợi nhỏ với tổng kinh phí là 300 tỷ đồng. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần