Khổ vì nước ngập
Phản ánh tới PV, nhiều người dân tại phường Phúc La, quận Hà Đông cho biết, một số tuyến đường như: Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Khuyến nhiều năm qua đã phải chung sống với cảnh ngập sâu 60 - 70cm sau mỗi trận mưa lớn. Cứ mưa to là phương tiện không thể di chuyển được, nước dâng tràn vào nhà làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt.
Ông Bùi Quang Huy, trú tại TT6C8, đường Nguyễn Sơn Hà, phường Phúc La, quận Hà Đông chia sẻ: “Gia đình tôi sinh sống ở đây đã gần 20 năm. Mỗi năm, khu vực này đều xảy ra ngập úng vài lần sau những trận mưa lớn. Mỗi lần ngập úng, phải 2 - 3 ngày nước mới rút. Có thời điểm, nước ngập cả tuần”.
Theo ông Bùi Quang Huy, nước dâng cao có những chỗ ngập đến 80cm, đường giao thông tê liệt, ô tô, xe máy không thể di chuyển qua. Không những thế, nước từ ngoài đường ngập vào trong nhà, tràn xuống bể nước sạch sinh hoạt khiến hàng trăm hộ dân không biết xoay sở ra sao.
“Mỗi khi nước rút, đường phố ngập tràn rác thải, bùn đất mùi hôi thối rất khó chịu. Người dân chúng tôi đã nhiều lần khiến nghị đến chính quyền địa phương về vấn đề này nhưng họ chưa có động thái gì để giúp người dân” - ông Bùi Quang Huy chia sẻ.
Chị Đinh Thị Thanh Hoà, trú tại A19, đường Nguyễn Sơn Hà, phường Phúc La, quận Hà Đông cho biết: “Điểm hình như tháng 9 này, người dân chúng tôi phải sống chung với nước ngập hôi thối suốt hai tuần trời. Khu phố bị cô lập do ngập sâu, phương tiện không thể di chuyển. Có lần, con tôi bị ốm trong đêm nhưng nước ngập quá sâu không thể di chuyển ra ngoài đi bệnh viện”.
Theo chị Hòa, những ngày ngập lụt, cuộc sống gia đình bị đảo lộn. Mọi người thay nhau lội đi mua nước sinh hoạt. Nhiều hộ phải dùng bao cát, căng bạt che chắn làm đập ngăn nước không tràn vào nhà.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua mưa kéo dài, nước không thoát kịp, nước dâng cao, các bao tải chắn cũng không cản được. Có thời điểm, nước dâng lên tới chân trạm điện, người dân phải căng dây để hạn chế đi lại.
“Có khoảng 140 hộ dân tại phường Phúc La thường xuyên phải chịu ảnh hưởng do ngập nước. Cũng có không ít hộ gia đình không chịu được cảnh phải sống chung với nước thải mà bán nhà đi nơi khác ở” - chị Đinh Thị Thanh Hoà nói.
Chênh lệch cốt đường
Thực tế, khu vực này đã có không ít lần ngập trong biển nước khi mưa lớn, như ngày 23/7 hay mới đây ngày 8/9 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3. Chỉ sau một ngày mưa nặng hạt, các tuyến đường tại khu vực này này đã bị ngập sâu và chìm trong biển nước.
Tình trạng ngập lụt tại những tuyến đường Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Khuyến thuộc phường Phúc La, quận Hà Đông ngày càng diễn ra nghiêm trọng hơn. Trong đơn thư kiến nghị gửi các cấp chính quyền địa phương của hơn 140 hộ dân ngày 23/9, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng tại đây được người dân cho là do cốt nền đường khu vực này thấp hơn xung quanh. Đồng thời, miệng cống thoát nước ít lại không được nạo, vét thường xuyên dẫn đến tình trạng ngập úng ngày càng nặng nề.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Giaothonghanoi ngày 30/9, bằng mắt thường có thể thấy, hiện trạng cốt nền đường Nguyễn Sơn Hà, một phần đường Nguyễn Khuyến và đường Bạch Thái Bưởi thấp hơn những khu vực xung quanh gần 1m.
Tại các ngõ ngang giữa đường Nguyễn Sơn Hà và Bạch Thái Bưởi có độ dốc nhất định. Không những thế, nhiều khu vực miệng cống được lấp đầy bằng rác thải và lá cây lâu ngày không được dọn dẹp, cây xanh ngã đổ do bão đã hơn 20 ngày qua vẫn đang nằm ngổn ngang.
Cũng như nhiều hộ dân sinh sống tại phường Phúc La, quận Hà Đông, chị Đinh Thị Thanh Hoà bày tỏ: “Chúng tôi khẩ thiết mong chính quyền địa phương cũng như các cơ quan liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá chênh lệch cốt nền, thực trạng úng lụt cục bộ tại trục đường Nguyễn Sơn Hà, đoạn cuối đường Nguyễn Khuyến và đường Bạch Thái Bưởi, để xác định phạm vi và mức độ úng ngập thực tế. Trên cơ sở đó, kính mong TP Hà Nội bố trí nguồn kinh phí để nâng cốt đường tại những vị trí thấp và thường xuyên úng ngập, giúp người dân thoát cảnh bị cô lập, sống khổ sở mỗi khi mưa lớn”.
Người dân cũng mong muốn UBND phường Phúc La có giải pháp, phối hợp với Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành (đơn vị phụ trách cấp thoát nước trên địa bàn) ưu tiên mở xả thoát nước cho khu vực này để tránh tình trạng úng ngập kéo dài. Đồng thời, thường xuyên nạo vét, vệ sinh hệ thống cống đảm bảo việc thoát nước được nhanh chóng, giảm thiểu nguy cơ úng ngập do tắc cống.