Nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng

Hồng Lĩnh - Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức họp báo thông tin các hoạt động kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1992 - 2022), hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022.

Tại buổi họp báo, UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, sau 30 năm tái lập (1922-2022), tỉnh Sóc Trăng có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 1 thành phố, 2 thị xã, 8 huyện. Toàn tỉnh hiện có 109 xã, phường, thị trấn, tăng 15 đơn vị so với năm 1992. Dân số năm 2021 là 1.206.819 người.

Quang cảnh buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo.

Tỉnh Sóc Trăng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, tiềm lực kinh tế - xã hội được tăng cường, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông với cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 68,30%, công nghiệp, xây dựng chiếm 9,68%, dịch vụ chiếm 22,02% và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, thu nhập bình quân đầu người thấp…, Sóc Trăng đã cơ bản thoát ra khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển.

Năm 2021, quy mô kinh tế của tỉnh (GRDP) đạt 57.120 tỷ đồng, tăng 38 lần so với năm 1992; đứng hàng thứ 11 về quy mô kinh tế trong vùng ĐBSCL và chiếm tỷ trọng 0,68% so với cả nước; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1993 - 2021 là 10,18%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 2.031 USD. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2021 là 18.952 tỷ đồng, tăng 160,75 lần so với năm 1992, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1993 - 2021 là 19,14%...

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực ĐBSCL...

Nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra, năm 2021 Tỉnh ủy đã ban hành 7 nghị quyết chuyên đề. Các nghị quyết chuyên đề có mối liên hệ chặt chẽ, đồng bộ với nhau, khi được triển khai thực hiện tốt sẽ tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển chung của tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới…

Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho hay, kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1992 - 2022), sẽ tổ chức nhiều hoạt động gồm: Chương trình cầu truyền hình trực tiếp, giới thiệu, quảng bá về quê hương, con người Sóc Trăng với chủ đề “Sóc Trăng – Vùng đất đậm nét di sản văn hóa dân tộc” vào lúc 19 giờ ngày 22/4.

Triển lãm ảnh “Sóc Trăng xưa và nay” từ 20/4 – 3/5. Liên hoan ẩm thực đường phố với chủ đề “Hương vị Sóc Trăng” kết hợp trưng bày sản phẩm đặc sản của tỉnh từ 27/4 – 3/5. Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội 30 năm tái lập tỉnh từ 24/4 – 3/5. Hội thi trang trí xe hoa…

Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh; Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022 với chủ đề “Sóc Trăng – Vang mãi nhịp sống quê hương” vào lúc 19 giờ ngày 29/4.

Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và công nhận TP Sóc Trăng là đô thị loại II được tổ chức với quy mô cấp tỉnh vào lúc 19 giờ ngày 28/4 tại quảng trường Bạch Đằng, TP Sóc Trăng, dự kiến có 1.500 đại biểu tham dự.

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022 với chủ đề “Đồng hành – Hợp tác – Phát triển” diễn ra vào lúc 8 giờ ngày 29/4 tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh, dự kiến có 300 đại biểu tham dự đến từ các bộ ngành trung ương và địa phương…, dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại Hội nghị, tỉnh Sóc Trăng sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đầu tư có quy mô lớn, ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, tài trợ quy hoạch. Trong khuôn khổ Hội nghị có các hoạt động: trưng bày, giới thiệu các mô hình, dự án kêu gọi đầu tư và các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh từ 28/4 – 29/4.

Ngoài ra, còn có hàng loạt hoạt động như: khởi công, khánh thành một số công trình trọng điểm; chương trình, chính sách an sinh xã hội quan trọng, ý nghĩa, thiết thực…

 

Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nằm ở vùng hạ lưu sông Hậu, hướng ra biển Đông với 72km bờ biển, có 3 cửa sông lớn là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, hình thành lưu vực rộng lớn. Dân cư Sóc Trăng chủ yếu là 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa.

Tháng 2/1976, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cần Thơ và TP Cần Thơ hợp nhất thành tỉnh Hậu Giang.

Ngày 26/12/1991, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII quyết định phân lại địa giới một số tỉnh. Tỉnh Hậu Giang được chia thành 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng.

Ngày 22/01/1992, Tỉnh ủy Hậu Giang ra Nghị quyết số 15-NQ/TU về việc chuẩn bị và tiến hành thực hiện chia tỉnh Hậu Giang thành 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng.

Ngày 19/3/1992, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 229-NS/TW về việc chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng…

Tỉnh Sóc Trăng chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 4/1992, gồm 7 đơn vị hành chính (6 huyện, 1 thị xã), với diện tích hơn 3.138km2, dân số hơn 1 triệu người.

Đọc tiếp