Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều khó khăn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia tại Mê Linh

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chương trình giám sát việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường công lập và xây dựng trường học tại các khu đô thị trên địa bàn Hà Nội từ năm 2016 đến nay, sáng nay (27/3), đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP đã có buổi khảo sát và làm việc tại huyện Mê Linh.

Đến Trường Mầm non Chi Đông (thị trấn Chi Đông) và Trường Tiểu học Quang Minh B (KCN Quang Minh), đoàn đã khảo sát cụ thể tại các phòng học, nhà hiệu bộ, khu vực bếp ăn, nhà vệ sinh… phục vụ việc dạy và học của giáo viên, học sinh trong trường.

 Đoàn khảo sát quy trình giao nhận thực phẩm tại Trường Mầm non Chi Đông.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 của huyện và TP, huyện dự kiến triển khai 71 dự án đầu tư mới và nâng cấp cơ sở vật chất giáo dục với tổng đầu tư 1.502 tỷ đồng thì đến nay đã khởi công mới 44 dự án với tổng mức đầu tư 905 tỷ đồng. Dự kiến, huyện tiếp tục xây mới 8 dự án từ kinh phí TP hỗ trợ, bổ sung mục tiêu, nâng tổng dự án triển khai mới giai đoạn 2016-2019 lên 53 dự án, giai đoạn 2020-2021 có 19 dự án.

Hiện toàn huyện có 73 trường công lập trực thuộc, trong đó 21 trường mầm non (MN), 30 trường tiểu học (TH), trong đó các điểm lẻ trường MN đã dần được xóa bỏ, các trường quy mô nhỏ đang được tập trung sáp nhập. Đến hết năm 2018 có 50/73 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt 68,5%.

Bên cạnh đó, trên địa bàn có KCN Quang Minh gắn với quy hoạch phát triển đô thị tại 2 thị trấn Quang Minh, Chi Đông, từ năm 2016 đến nay đã bố trí ngân sách triển khai 7 dự án xây trường học tại đây với tổng đầu tư 187 tỷ đồng, đến nay hoàn thành 4 dự án.

 Tiết học thể dục của các em học sinh Trường Tiểu học Quang Minh B.
Tuy nhiên, lãnh đạo UBND huyện cũng chia sẻ, dù cơ bản đạt chỉ tiêu của nghị quyết đề ra nhưng công tác đầu tư cho cơ sở vật chất trường học tại huyện vẫn gặp khó khăn, nổi bật là nhiều trường đến hạn và đã quá hạn công nhận lại trường chuẩn quốc gia, cần nhiều vốn đầu tư. Một số trường có quy mô học sinh tăng nhanh, vượt sĩ số học sinh theo quy định hoặc rất khó mở rộng quỹ đất, do không có quỹ đất hoặc vướng quy hoạch, nên không đủ điều kiện công nhận mới và công nhận lại trường chuẩn quốc gia.
Một nguyên nhân nổi bật, theo ông Tuấn, là do ngân sách huyện có hạn trong khi xã hội hóa giáo dục gặp nhiều hạn chế, không dễ dàng thu thêm một số khoản từ phụ huynh học sinh khu vực nông thôn. Ngoài ra, còn bởi nhận thức chưa đầy đủ của một số cấp ủy, chính quyền về mục đích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường, xây trường chuẩn quốc gia.  
Tại buổi làm việc, các ý kiến đoàn giám sát ghi nhận cố gắng của huyện Mê Linh thời gian qua trong đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học công lập, song cũng đề nghị: Huyện cần quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh rà soát hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp quy hoạch phát triển huyện để vừa hoàn thành chỉ tiêu nhiệm kỳ này, vừa chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới. Việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất để xây trường học cần có chủ động phối hợp các sở, ngành, trong đó lưu ý khai thác những khu đất bỏ hoang kém hiệu quả.
 Buổi làm việc của đoàn giám sát tại UBND huyện Mê Linh.

Đáng chú ý, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Nguyễn Quang Thắng đề nghị huyện sớm đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có tại các trường học từ MN đến PTTH, nhằm xác định chỗ nào cần xây mới, cải tạo, đầu tư tăng cường… để lên kế hoạch cụ thể.

Trong đó, cần bố trí đủ kinh phí cho các đơn vị theo phân cấp quản lý, ngân sách hàng năm để một số trường có cơ sở vật chất đang xuống cấp trầm trọng được cải tạo ngay để đảm bảo an toàn cho học sinh; chú ý đầu tư công trình nhà vệ sinh cho các em đảm bảo tiêu chuẩn, vì đây là nhu cầu rất chính đáng.

Cùng với đó, huyện cần chỉ đạo Phòng Giáo dục và các cơ sở giáo dục trong lúc chờ nguồn đầu tư sửa chữa thì phải bố trí cơ sở vật chất giáo dục hiện có sao cho khoa học, tránh lãng phí; nâng cao chất lượng giáo dục…