|
Trạm xử lý phân bùn thải của URENCO. Ảnh: Trọng Tùng |
Chiều 6/5, phóng viên trở lại ghi nhận tình hình. Qua nắm bắt tâm tư của người dân địa phương, vẫn còn nhiều vấn đề khuất tất cần được cơ quan chức năng làm sáng tỏ.
Hết giấy phép vẫn ngang nhiên xả thảiTheo chỉ dẫn của một số hộ dân, chúng tôi tiếp cận với đường ống cống xả nằm cách URENCO 7 chừng 5 - 7m. Ghi nhận thực tế vào chiều qua (6/5), nguồn nước xả thải từ miệng cống vẫn đen, bốc hùi hôi thối. Chỉ đứng quan sát vài ba phút đã cảm thấy đau đầu, chóng mặt. Một số người dân còn cho biết, nước thải chưa qua xử lý thường được xả vào buổi tối, hoặc những ngày trời mưa.
Tuy nhiên, tại cuộc trao đổi với Tổ trưởng Tổ dân cư Nhuệ Giang Nguyễn Đức Tín sau đó, vị này thông tin: Khoảng một tuần trước, đoàn liên ngành của quận Nam Từ Liêm đã về thanh tra, kiểm tra và ghi nhận URENCO 7 đã tạm dừng trạm xử lý phân bùn bể phốt từ ngày 8/4 để bảo trì hệ thống. Phải chăng, URENCO 7 vẫn đang lén lút thực hiện việc xả chất thải chưa qua xử lý vào sông Nhuệ?
Quá trình tìm hiểu, phóng viên cũng thu thập được nhiều video clip ghi lại hình ảnh dòng nước thải đen kịt đổ xối xả vào sông Nhuệ. Các video clip đều được ghi nhận từ tháng 2/2018 đến nay.
Điều đáng nói, thời điểm trên, Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 15/GP-UBND được UBND TP Hà Nội cấp ngày 23/1/2015 với thời hạn 3 năm cho đơn vị này đã hết hạn, đồng nghĩa với việc xả thải của URENCO 7 vào sông Nhuệ vi phạm Khoản 3 Điều 19 Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
|
Nước thải từ URENCO 7 vào sông Nhuệ vẫn có màu đen, bốc mùi hôi thối. |
Thiếu minh bạch chi phí sản xuấtTheo quy trình xử lý phân bùn bể phốt tại URENCO 7 do Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt, sau khi tiếp nhận từ xe bơm hút, phân bùn sẽ được chuyển qua hệ thống xử lý. Nguồn nước đầu ra phải đạt tiêu chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT. Tuy nhiên, khi nhìn những hình ảnh dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối được xả thẳng vào sông Nhuệ, có lẽ không ai dám khẳng định nguồn nước đó đạt tiêu chuẩn. Được biết, doanh thu hàng tháng của URENCO 7 từ hoạt động bơm hút và xử lý phân bùn bể phốt vào khoảng 1 tỷ đồng.
Quá trình thu thập thông tin của phóng viên cũng ghi nhận từ tháng 8/2016, URENCO 7 thực hiện tiếp nhận xử lý rác của 4 quận nội thành. Quá trình xe ra vào điểm trung chuyển, nước rỉ rác chảy ra đường. Chiều qua (6/5) dù trời nắng to nhưng mặt đường Phúc Diễn nơi các xe rác của URENCO 7 đi vào điểm trung chuyển vẫn ứ đọng nước thải, bốc mùi hối thối. Theo tìm hiểu, URENCO 7 hiện có 1 trạm xử lý nước rỉ rác đang hoạt động và hàng tháng vẫn được “Công ty mẹ” nghiệm thu thanh toán. Câu hỏi đặt ra là vì sao vẫn có tình trạng trên? Phải chăng hai trạm xử lý nước rỉ rác được đầu tư hàng tỷ đồng, lại “có cũng như không”?
Những nghi vấn về việc URENCO 7 ngang nhiên xả phân bùn vào sông Nhuệ càng có căn cứ khi tại khu vực chôn lấp rác thải (đã dừng hoạt động nhiều năm nay) lại có hai hố chứa phân bùn lớn, diện tích chừng 35 - 40m2. Một trong hai hố hiện chứa đầy phân bùn chưa qua xử lý. Miệng hố um tùm cỏ dại cho thấy phân bùn đã được chôn lấp tại đây từ lâu. Ở cả hai miệng hố đều có vòi nối trực tiếp xuống trạm xử lý phân bùn thải.
Theo quy định, phân bùn khi được tiếp nhận về phải được đổ vào bể chứa để xử lý. Vậy tại sao URENCO 7 lại phải xây dựng và chứa phân bùn tại một vị trí mà người dân gần như không thể tiếp cận được? Phản hồi thắc mắc trên, đại diện URENCO 7 cho biết: Hai hố được sử dụng để tạm chứa phân bùn khi có mưa lớn gây ngập. Điều nhiều người thắc mắc là phân bùn tạm trữ sẽ được xử lý ra sao, và chi phí vốn dĩ phải trả cho lượng lớn phân bùn đang trữ trong hố kia, giờ nằm ở đâu?
Vừa qua, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội khẩn trương kiểm tra, làm rõ vi phạm (nếu có). Nhiều người dân đang rất kỳ vọng Sở Xây dựng Hà Nội sẽ thực sự công minh trong quá trình thanh tra, kiểm tra hoạt động của URENCO 7. Đồng thời, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân làm trái quy định, gây thất thoát ngân sách TP. Qua đó, tạo sức răn đe đủ lớn đối với các vi phạm đang ngày một phức tạp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.